Lamdongtv.vn - Không lơ là, chủ quan, các cấp, ngành và chủ rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng chủ động, tập trung các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô. Trong đó, phát huy vai trò các nhóm tự quản, cộng đồng dân cư sống gần rừng nâng cao ý thức bảo vệ và phòng ngừa, kịp thời thông tin, xử lý khi có cháy rừng xảy ra.
Cánh rừng Đồi Mây, xã Ninh Loan, huyện Đức Trọng gần đây trở thành điểm tham quan, Check in của du khách. Mùa khô, rừng thông có đông người ra vào, nên tiềm ẩn cháy rừng rất dễ xảy ra. Để phòng ngừa, hai tiểu khu ở vị trí này hiện có một tổ tự quản bảo vệ, trong đó lấy vai trò nòng cốt là người dân để tuần tra, canh gác rừng.
Quản lý hơn 40 nghìn ha rừng. Những ngày này Ban Quản lý rừng phòng hộ Đa Nhim, huyện Lạc Dương bảo đảm quân số 100% thường trực để phòng chống cháy rừng. Để chủ động phương án phòng cháy, đầu mùa khô đơn vị thành lập 6 tổ nhận khoán chuyên biệt, thu hút gần 90 thành viên là lượng lực dự bị động viên các xã, chủ yếu là con em vùng dân tộc thiểu số tham gia. Các địa bàn trọng điểm, vùng giáp ranh dễ xảy ra các điểm cháy như trước đây của chủ rừng giờ luôn có tổ tự quản thường trực.
Tại vùng rừng các huyện phía Nam tỉnh Lâm Đồng, mùa khô, nắng nóng khô hành, nhiều diện tích rừng phòng hộ, rừng nguyên sinh cũng đặt trong tình trạng cảnh báo dễ xảy ra cháy rừng.
Theo các chủ rừng, lo ngại nhất là việc người dân vào rừng sản xuất, canh tác trên nương rẫy mang theo lửa, nên phải hết sức cận trọng và đề cao công tác tuần tra, tuyên truyền.
Mùa khô 2022 – 2023 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng xảy ra 25 vụ cháy rừng với diện tích thiệt hại hơn 56ha, bao gồm rừng trồng, rừng tự nhiên, thảm cỏ, cây bụi dưới tán rừng. Địa bàn xảy ra cháy ở các huyện Đam Rông, Lâm Hà, Đức Trọng, Đơn Dương, Tp Đà Lạt và Bảo Lộc.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trên địa bàn có có gần 1 nghìn điểm báo cháy qua vệ tinh, hơn 500 điểm cháy nhỏ. Những vị trí này được phát hiện trong mùa khô năm ngoái, tuy nhiên mùa khô 2024 cũng nằm trong diện cần đề phòng, có giải pháp theo dõi và xử lý khi có cháy xảy ra.
Lâm Đồng có trên 533 ngàn ha rừng, phân bố tại 845 tiểu khu thuộc 125 xã, phường, thị trấn trên địa bàn 12 huyện, thành phố. Chiếm diện tích rừng khá lớn vùng Tây Nguyên, mùa khô áp lực giữ rừng, không để xảy ra cháy rừng là rất lớn. Vì vậy, ngoài trách nhiệm các đơn vị quản lý nhà nước, chủ rừng, chính quyền các cấp thì vai trò, chủ thể người dân tham gia các tổ tự quản, tổ nhận khoán rất quan trọng trong việc giữ rừng hiện nay./.
Mạnh Thành