Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước liên tục xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm trong trường học gây bức xúc trong dư luận xã hội và gây lo lắng cho các bậc phụ huynh.
Mới đây nhất, tại tỉnh Thanh Hoá cũng đã ghi nhận vụ việc học sinh tiểu tiểu học bị rối loạn tiêu hoá sau bữa ăn bán trú tại trường. Hiện các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đang tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các bếp ăn bán trú trên địa bàn.
Tại bếp ăn bán trú của trường Tiểu học Điện Biên 2, đoàn kiểm tra của Phòng Giáo dục và đào tạo thành phố Thanh Hoá đánh giá cao việc nhà trường thực hiện khá chặt chẽ vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu nguyên liệu đầu vào, quá trình chế biến tại bếp ăn. Tuy nhiên, việc lưu mẫu thực phẩm chưa theo đúng quy định, khi tổ chức chia cơm cho học sinh mà chưa lưu mẫu thực phẩm.
Thành Phố Thanh Hóa có 110 trường tiểu học và mầm non tổ chức cho học sinh ăn bán trú. Mới đây, tại trường Tiểu học Điện Biên 1 đã xảy ra vụ việc học sinh bị ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn trưa. Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thành phố Thanh Hóa đã thành lập các đoàn kiểm tra để chấn chỉnh các vấn đề liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm tại các trường bán trú trên địa bàn.
Tại huyện Thiệu Hoá, có 29 trường tổ chức bếp ăn bán trú, hàng năm Chi cục Vệ sinh ATTP đã tổ chức ký cam kết, cấp giấy chứng nhận cho các bếp ăn tập thể cho các nhà trường. Ngành Giáo dục huyện cũng tổ chức tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm cho cán bộ, nhân viên quản lý bếp ăn.
Trên toàn địa bàn tỉnh Thanh Hoá có 800 trường học có bếp ăn tập thể dành cho học sinh khối mầm non và tiểu học bán trú, mỗi khi xảy ra các vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm bếp ăn bán trú thì hậu quả thường rất nặng nề, trẻ em lại là đối tượng có sức đề kháng thấp, dễ bị tổn thương. Vì vậy, việc tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ được tiến hành thường xuyên.
Phòng Thời sự