Khoảng 10 năm trở về trước, xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 53%. Cuộc sống của người dân luẩn quẩn trong đói nghèo, lạc hậu. Từ năm 2016, Bí thư Đảng uỷ xã Khoàng Văn Van đã khởi xướng các “dự án không đồng”, từng bước giúp nhân dân trong xã thoát nghèo bền vững.
Giờ đây, Chà Nưa trở thành một điểm sáng về xây dựng nông thôn mới ở vùng biên cương Nậm Pồ tỉnh Điện Biên.
Chà Nưa vốn sẵn có những cánh rừng xanh yên bình và những đàn ong rừng cho nguồn mật quý giá. Xác định đây là món quà thiên nhiên ban tặng, nên Bí thư Đảng uỷ xã Khoàng Văn Van đã vận động nhân dân thuần hoá những đàn ong rừng hung dữ, làm hộp đưa về nuôi. Cứ thế, người biết bảo người chưa biết. Hợp tác xã ong Chà Nưa đã được thành lập với 40 hội viên, duy trì khoảng 700 thùng ong. Mỗi năm cho thu hàng nghìn lít mật, với giá trên 200 nghìn/lít, cho nguồn thu nhập từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng.
Dưới những cánh rừng của xã Chà Nưa, có hàng trăm hecta cây sa nhân tím mọc tự nhiên cho giá trị kinh tế rất cao. Thế nhưng bà con trong xã mới chỉ biết khai thác, nhân rộng mô hình trồng sa nhân khi “dự án không đồng” được khởi xướng. Chương trình trồng dược liệu dưới tán rừng, đã được đưa vào Nghị quyết của xã Chà Nưa, phấn đấu phát triển sa nhân dưới tán rừng lên gần 500 ha .
Cũng trong nhiệm kỳ này, Chà Nưa phấn đấu đưa bản Nà Sự trở thành bản du lịch cộng đồng của huyện. Phong trào tạo cảnh quan, xây dựng bản làng sạch đẹp được phát động với sự vào cuộc của cả cộng đồng bản. Những viên đá cuội dưới suối được mang về, những cây hoa trên rừng được đưa về trồng mà không khiến người dân phải tốn kém về kinh tế .
Giờ đây, bản Nà Sự là điểm đến xinh đẹp, thân thiện đối với du khách. 2023 , thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 34,1 triệu/người, hộ nghèo chiến 5,5 % (còn 37 hộ) . Còn hàng chục những “ dự án không đồng ” khác đã và đang được người dân đồng l ò ng , xây dựng Chà Nưa thành xã nông thôn mới, điểm sáng của tỉnh Điện Biên ./.
Phòng Thời sự