Lamdongtv.vn -Ban Chỉ đạo 138 của Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang dự và chỉ đạo. Tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng ông Võ Ngọc Hiệp, Ủy viên Ban thường vụ tỉnh ủy, PCT UBND tỉnh chủ trì, cùng dự có đại diện các sở, ban, ngành.
Theo báo cáo, của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, năm 2023, công tác phòng, chống tội phạm đạt được nhiều thành tích nổi bật. Các bộ, ngành, lực lượng chức năng, đơn vị, địa phương đã phát hiện bắt giữ xử lý hơn 146 ngàn vụ vi phạm pháp luật, tăng gần 5% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó các đơn vị, địa phương bắt giữ gần 11.500 vụ mua bán vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hơn 129 ngàn vụ sản xuất, mua bán, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Thu nộp nhà nước hơn 14.570 tỷ đồng, khởi tố hình sự hơn 600 vụ việc. Báo cáo Ban Chỉ đạo 138 của Chính phủ cho biết, năm 2023 tình hình tội phạm về trật tự xã hội xẩy ra hơn 58.000 vụ, tăng 0,07% so với cùng kỳ năm 2022.
Điều tra, khám phá gần 45.000 vụ việc. Việc kiểm sát nhân dân các cấp thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra hơn 130 ngàn vụ việc với hơn 200 ngàn bị can.
Tòa án nhân các cấp thụ lý hơn hơn 93 ngàn vụ việc với hơn 183 ngàn bị cáo. Riêng tại Lâm Đồng, năm 2023, tình hình ANTT địa phương luôn được giữ vững ổn định, không để xảy ra tình huống đột xuất, bất ngờ. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu với hình thức, nội dung phong phú, phù hợp góp phần giữ vững an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh.
Tại hội nghị, các thành viên Ban chỉ đạo 138/Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cùng Ban chỉ đạo ở các tỉnh, thành phố đã trao đổi, thảo luận về thực tế cũng như nêu các kiến nghị nhằm đảm bảo thực hiện đạt hiệu quả hơn công tác phòng, chống tội phạm cũng như phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Năm 2024, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung đấu tranh có hiệu quả đối với các loại tội phạm gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Đồng thời, triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ cần thiết, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, các sự kiện quan trọng, ngày lễ lớn của đất nước, địa phương. Chủ động dự báo tình hình, không để xảy ra tình trạng bị động; làm tốt công tác điều tra cơ bản, xác lập các phương án đấu tranh. Đặc biệt, kiểm tra, xử lý kịp thời tình hình buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn./.
Văn Thế - Ngọc Tuấn