Mặc dù, hoạt động xuất nhập khẩu năm 2024 này được dự báo vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định, song Bộ Công Thương vẫn đặt chỉ tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trên 6% so với năm 2023. Cán cân thương mại tiếp tục có xuất siêu. Vậy, cơ sở nào để đạt được mục tiêu này?
Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 40,3 tỷ USD, rau quả đạt 5,69 tỷ USD, thủy sản 9,2 tỷ USD, gỗ và các sản phẩm từ gỗ 13,5 tỷ USD, điện thoại và linh kiện đạt 53,7 tỷ USD.
Mức độ suy giảm trong xuất khẩu tiếp tục được thu hẹp qua từng quý của năm 2023. Đây cũng chính là cơ sở để các ngành hàng đặt ra mục tiêu cho năm 2024. Phân tích những tín hiệu thị trường của quý 4/2023, các chuyên gia đánh giá, mục tiêu tăng trên 6% là mục tiêu tham vọng của ngành xuất nhập khẩu Việt Nam. Tuy nhiên, mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được.
Đưa ra con số tăng trưởng xuất khẩu trên 6%, Bộ Công Thương cũng đã lên kịch bản định vị cho mục tiêu này. Trong bối cảnh xuất khẩu sang các thị trường lớn đều sụt giảm, thì kim ngạch xuất khẩu sang các nước châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á lại tăng, cùng với đó là cơ hội thực tế mà các doanh nghiệp đã khai thác được từ các hiệp định thương mại thế hệ mới. Đây cũng là một trong những cơ sở để đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2024 tăng trên 6% so với năm 2023./
Phòng thời sự