Lamdongtv.vn - Hai năm qua, việc triển khai thực hiện Đề án 06/CP là một trong những điểm sáng của chuyển đổi số ở các địa phương trong cả nước nói chung và Lâm Đồng nói riêng.
Việc thực hiện Đề án này đã thu được những kết quả bước đầu, được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Qua đó góp phần thay đổi phương thức quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý công dân, phát triển KT-XH; tạo nền tảng quan trọng để đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Khi thực hiện các bước làm CCCD và kích hoạt định danh, mình thất rất nhanh chóng, được hỗ trợ nhiệt tình….thuận lợi rất nhiều vì đã được tích hợp vào 1 loại, không phải mang giấy tờ nhiều
Cùng với cả nước, việc triển khai thực hiện Đề án 06/CP trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong 2 năm qua cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỉnh ủy, UBND tỉnh, BCĐ Đề án 06/CP tỉnh luôn chú trọng quan tâm chỉ đạo quyết liệt, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã quyết tâm, quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06 theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Một số nhiệm vụ đạt được kết quả nổi bật, như: Hoàn thành vượt chỉ tiêu về công tác cấp CCCD và Định danh điện tử, Tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến cao, hiện xếp thứ 06 toàn quốc. Qua thống kê trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tính đến ngày 30/11/2023 dân số toàn tỉnh có trên 385.000 hộ, với gần 1.570.000 nhân khẩu, mật độ dân số khoảng 161 người/km2 dân cư tập trung chủ yếu tại khu vực thành thị và thưa dần tại khu vực nông thôn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa.
Theo báo cáo của Tổ công tác triển khai thực hiện Đề án 06 cho biết, trong 02 năm qua, với sự chỉ đạo quyết tâm, quyết liệt và sự sáng tạo, bản lĩnh trong tổ chức thực hiện, các mục tiêu cơ bản của Đề án 06 cơ bản đạt được những kết quả nổi bật.
Với vai trò là cơ quan tham mưu thường trực: Công an tỉnh đã quán triệt thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Công an, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo Đề án 06 tỉnh Lâm Đồng, làm tốt vai trò tham mưu thường trực trong việc triển khai Đề án 06 trên địa bàn tỉnh, tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ của Đề án 06; theo dõi, đánh giá, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ tiến độ đề ra và nhất là nghiên cứu đề xuất khắc phục những tồn tại, hạn chế, những “điểm nghẽn” của địa phương, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương trong quá trình triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06 thuộc chức năng của các sở, ngành, địa phương, tập trung vào các nhiệm vụ cấp bách, nhiệm vụ cần có sự phối hợp thực hiện của nhiều đơn vị như: công tác số hóa, làm sạch dữ liệu chuyên ngành trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; việc thực hiện quy định liên quan đến bỏ số hộ khẩu, sổ tạm trú giấy; nâng cao tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến; triển khai thực hiện các mô hình điểm của Đề án 06 phù hợp với tình hình thực tế,…
Đến nay, Lâm Đồng đã hoàn thành rà soát, tái cấu trúc quy trình đối với dịch vụ công trực tuyến đã tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia và quy trình điện tử của 1.860/1.860 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh và xây dựng quy trình tái cấu trúc cho 769 quy trình điện tử thực hiện trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh theo hướng tinh gọn quy trình, thuận tiện trong quá trình áp dụng thực hiện; tiến hành xây dựng biểu mẫu điện tử của 615 TTHC thuộc thẩm quyền trên địa bàn với mục tiêu cắt giảm các thông tin phải khai báo, cung cấp khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên cơ sở khai thác dữ liệu dân cư quốc gia và dữ liệu chuyên ngành đã được kết nối, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, bảo đảm cắt giảm ít nhất 20% thông tin phải khai báo.
Năm 2023, tỉnh Lâm Đồng được đánh giá 82,1/100 điểm, xếp hạng 03/63 tỉnh thành; về dịch vụ công trực tuyến đạt tỷ lệ 59,1% với số điểm 5,1/12, vị trí 06/63 tỉnh thành. Trong năm 2023, tổng số giao dịch thanh toán trực tuyến thành công trên Cổng DVC quốc gia là 261.575 giao dịch, với tổng số tiền là trên 22 tỷ đồng.
Tỉnh Lâm Đồng đã tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tăng cường ứng dụng tiện ích của Đề án 06 phục vụ những lợi ích chính đáng của công dân và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, nổi bật như: chỉ đạo 168/168 cơ sở y tế, bệnh viện sử dụng thẻ CCCD dắn chip tích hợp BHYT trong khám chữa bệnh; Hướng dẫn 100% trường học thu phí không dùng tiền mặt; Trong năm 2023, tổng số lượt tra cứu bằng CCCD khi đi khám chữa bệnh BHYT là 1.424.768 lượt, trong đó, 1.103.593 lượt tra cứu thành công, đạt tỷ lệ 77,46%.
Triển khai liên thông giấy khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử tại 100% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Tỷ lệ liên thông đạt 100%. Đã triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở giáo dục, năm học 2022 – 2023 tại các trường mầm non đạt 34,46%, THCS: 24,5%, THPT: 64,81%, năm học 2023 - 2024 tại các trường mầm non: 83,4%, tiểu học 76,52%, THCS: 94,2%, THPT: 81,25%; thanh toán viện phí không dùng tiền mặt đạt 36% trên tổng số chi phí và đạt 23,3% trên tổng lượt thanh toán viện phí; chi lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng đạt 59,72%; chi trợ cấp một lần đạt 92,87%; chi trợ cấp BHTN đạt 99,83%. Đã triển khai đăng ký lưu trú tại 94/168 cơ sở chữa bệnh trên địa bàn tỉnh.Đã chi trả không dùng tiền mặt: 11.466 lượt đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn; 2.374/8.417 đối tượng là người có công, tỷ lệ 28,2%.
Sở GDĐT triển khai hệ thống văn phòng điện tử từ năm 2012 đến nay, hệ thống này đã được triển khai đến 100% các trường học trên địa bàn tỉnh, đến nay tất cả các văn bản chỉ đạo điều hành đều thực hiện trên môi trường mạng (trừ những văn bản mật theo quy định). Mức độ các thủ tục cải cách hành chính cũng đã đang nâng dần lên cấp độ 3,4
Việc thực hiện Đề án 06 tiếp tục mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, được thể hiện trên 3 khía cạnh: xây dựng nền hành chính văn minh; phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, góp phần phòng chống tội phạm.
Người dân, doanh nghiệp và Chính phủ đã được hưởng những tiện ích cụ thể, rõ nét. Việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến đã được tiếp tục đẩy mạnh thực hiện với 25/25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân theo Đề án số 06 và 13/28 dịch vụ công theo Quyết định số 422 của Thủ tướng Chính phủ.
Có thể thấy, qua 2 năm triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, nhận thức, hành động của các cấp, ngành và Nhân dân về chuyển đổi số nói chung và thực hiện Đề án 06 nói riêng có sự chuyển biến tích cực, các cấp, ngành và địa phương đã nhìn nhận rõ hơn về thực trạng hạ tầng, nhân lực, dữ liệu, an ninh an toàn và yêu cầu hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu. Nhiều tiện ích từ dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh điện tử đã được cung cấp, người dân và xã hội được thụ hưởng ngày càng tốt hơn.
Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến thiết yếu cho người dân theo Đề án 06 của Chính phủ đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực khi Cắt giảm thủ tục hồ sơ, giảm chi phí thủ tục hành chính. Việc hướng tới là cung cấp dịch vụ công trực tuyến cần chuyển từ số lượng sang chất lượng, góp phần vào quá trình chuyển đổi số Quốc gia./.
Hoàng Phúc - Văn Danh - Thành Nam