Lamdongtv.vn - Diện tích sản xuất cà phê của Lâm Đồng, với hơn 170 ngàn hecta. Sản lượng hàng năm đạt khoảng 600 ngàn tấn..Những năm qua cà phê của Lâm Đồng đã khẳng định được vị thế trên thị trường trong và ngoài nước.
Vườn cà phê Robusta 1 hecta này được ông Trịnh Tấn Vinh trồng hoàn toàn bằng phương pháp hữu cơ. Không thuốc bảo vệ thực vật, không phân bón hóa học, ông Vinh trồng xen vào đó nhiều loại cây như: sầu riêng, mắc ca, hồng để che bóng mát cho cây cà phê. Đồng thời lớp cỏ lạc ở tầng thấp góp phần tạo độ ẩm, cung cấp dinh dưỡng cho đất. Theo ông Vinh, nếu so sánh trên 1 hecta diện tích, sản lượng cà phê cảnh quan không cao như trồng độc canh cây cà phê. Nhưng ông có thêm thu nhập từ những cây trồng khác. Hơn hết là nhà nông được có được môi trường sản xuất an toàn. Còn người tiêu dùng được hưởng lợi từ những hạt cà phê canh tác bền vững.
Những hạt cà phê Arabica chín mọng đang được anh Y Cường cùng các hộ dân trong Tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững thu hoạch. Nếu như trước đây, Y Cường thu hoạch bằng cách tước cả cành thì nay tư duy canh tác của anh đã thay đổi. Anh và các hộ đồng bào K’Ho đã biết lựa hái những quả có độ chín trên 95%. Thời gian thu hoạch vụ mùa kéo dài 3 tháng thay vì 2 tháng như trước. Đồng bào ở xã Lát nay còn biết sử dụng phân bón an toàn và biết liên kết để cùng nhau xây dựng thương hiệu cà phê Arabica Lạc Dương.
Không chỉ các nông hộ mà các doanh nghiệp thu mua, chế biến xuất khẩu cà phê ở Lâm Đồngtronh nhiều năm qua đã đồng hành cùng nông dân tham gia các dự án, liên kết thu mua cà phê sạch. Một trong những doanh nghiệp đó là Công ty Xuất nhập khẩu cà phê Tám Trình, liên kết với hơn 3000 hộ dân toàn tỉnh trên tinh thần hợp tác hai bên cùng có lợi và hơn hết là tiến đến lộ trình xây dựng chuỗi giá trị liên kết cà phê toàn cầu.
Năm 2023, Lâm Đồng xuất khẩu cà phê nhân ước đạt trên 70 ngàn tấn, giá trị hơn 150 triệuUSD. Đây là năm cà phê nhân có giá xuất khẩu cao nhất trong nhiều năm. Trên bước đường xây dựng chuỗi giá trị toàn cầu cho ngành hàng cà phê, tỉnh này xác định, nhà nông đóng vai trò chủ lực trong việc tạo nguồn nguyên liệu bền vững, kết nối chặt chẽ với hợp tác xã và doanh nghiệp để sản phẩm cà phê Lâm Đồng vươn xa. Tuy nhiên, để ngành hàng này giữ vững ưu thế trên thị trường, đáp ứng xu hướng tiêu dùng hiện đại, phương thức sản xuất cà phê bền vững không xâm chiếm đất rừng, tạo cảnh quan vườn rừng cho vùng trồng cà phê là mục tiêu quan trọng trong thời gian tới. Đó cũng là cách nâng cao chất và lượng hạt cà phê, cái thiện thu nhập cho người trồng cà phê ở vùng Nam Tây Nguyên./.
Thùy Dương