Trong mỹ thuật dân gian bốn con vật được coi là Tứ linh gồm: Long, Lân, Quy, Phượng, trong đó Long là con rồng, là con vật chúng ta nhìn thấy nhiều nhất. Rồng là biểu tượng cho vương quyền, vua chúa.
Ngày xưa, rồng được sử dụng nhiều trong kiến trúc cung đình, đền chùa và trang phục của vua chúa. Trong mỗi thời đại, hình ảnh con rồng cũng có sự khác nhau. Nhân dịp Xuân mới Giáp Thìn, chúng ta hãy tìm hiểu về con rồng thời Lý.
Thời các triều đại phong kiến trước đây, rồng là hình ảnh tượng trưng cho quyền uy tuyệt đối của các đấng thiên tử. Thời nhà Lý, Phật giáo có sự phát triển cao. Do đó, hình ảnh Rồng của thời Lý càng được ứng dụng rộng rãi và thể hiện tính nghệ thuật trong giới Phật giáo nước ta. Đền Đô ở phường Đình Bảng, Thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh - Nơi ghi dấu lịch sử 8 vị vua nhà Lý, ngay cổng chính dẫn vào khu nội thành, được gọi là ngũ long môn, hai bức tượng rồng chính giữa được chạm khắc hình rồng bay thể hiện khát vọng tự do, hòa bình. Rồng là hình tượng được rất nhiều họa sĩ, kiến trúc sư đưa vào hội họa, điêu khắc trong ngành xây dựng. Với ý nghĩa thiêng liêng mang bản sắc dân tộc riêng, Rồng thời Lý được khắc họa lại hình ảnh chân thật, gần gũi, chi tiết.
Đầu Rồng thời Lý rất đặc biệt, thường ngẩng cao đầu, miệng há to, có mào, mũi và bờm được khắc họa tự nhiên và uyển chuyển vô cùng sinh động. Mào Rồng chùm toàn bộ môi trên và quyện với răng nanh tạo ra hình ảnh như đám mây đang bay. Râu Rồng mềm mại như sóng nước, uốn lượn theo gió. Mũi Rồng được khắc họa bởi những đường cong xếp chồng lên nhau khiến người xem liên tưởng ra nguồn nước. Miệng Rồng thường há rộng để lộ hàm răng đang ngậm ngọc rất ấn tượng. Đặc biệt, râu và mào Rồng lại uốn vào nhau, tạo nên hình ảnh giống chiếc lá bồ đề, hoàn toàn phù hợp với thời kỳ hoàng kim của Phật giáo lúc bấy giờ.
Thân Rồng thời Lý thường dài uốn lượn mềm mại giống như đang bay rất sống động. Phần thân thường có 11-13 khúc, rất đồng đều. Tuy nhiên, khác biệt lớn nhất đó là Rồng của thời Lý lại sở hữu thân hình tròn, da trơn và không có vảy. Đây là điểm đặc biệt mà mọi người có thể dùng để phân biệt Rồng của thời Lý với Rồng ở các thời điểm khác.
Ở thời Lý, rồng có 4 chân, có loại 3 móng, cũng có loại 5 móng. Nhưng dù chân có mấy móng, thì móng đều được khắc họa rất nhỏ nhắn và vuốt sắc như móng chim. Tại khuỷu chân của Rồng, thường có thêm một cụm lông hình mây bay về sau tăng thêm vẻ mềm mại cho hình tượng.
đồ án, hình tượng rồng thời Lý trên các hiện vật gắn liền với các công trình kiến trúc thời kỳ này như: Bảo vật quốc gia cột đá chạm rồng chùa Dạm; Bảo vật quốc gia Tượng A Di Đà chùa Phật Tích (chạm khắc rồng trên phần bệ tượng); hiện vật lá đề chạm khắc rồng tại chùa Phật Tích... Đây đều là những đồ án rồng tinh xảo xứng đáng là kiệt tác bậc nhất trong lịch sử mỹ thuật. Phật giáo trong thời Lý vô cùng phát triển mạnh. Vì thế hình ảnh con Rồng cũng được xây dựng dựa trên sự ảnh hưởng của nền Phật giáo. Ngoài việc gắn liền với Phật giáo, chùa chiền, hoa Sen….Qua biểu tượng của Rồng thời Lý cho chúng ta thấy được cả một triều đại hoàng kim của Phật giáo và hệ tư tưởng thời đại lúc bấy giờ.
Phòng Thời sự