Xin chữ, cho chữ vừa là một phong tục truyền thống, một nét văn hóa đẹp, thể hiện truyền thống hiếu học của dân tộc mỗi dịp tết đến xuân về của người Việt Nam. Những câu đối, bức thư pháp không chỉ dừng lại là nghệ thuật viết chữ đẹp, mà qua đó còn thể hiện truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của dân tộc
Tục xin chữ - cho chữ, bắt nguồn từ những người hiếu học, trân trọng con chữ đẹp, ngày xuân xin chữ, như xin một thứ phúc lộc may mắn, giỏi giang. Chữ xin cũng thể hiện lời chúc của người viết hoặc mong muốn của người xin, thường là sự an lành, may mắn, thành công, đỗ đạt, tùy vào mục đích và lứa tuổi để chọn chữ phù hợp . Ở TP HCM, nhiều người giữ truyền thống xin chữ vào ngày đầu năm mới như một nét đẹp văn hóa, thể hiện sự tôn sư trọng đạo, đáng trân trọng
Chữ xin về thường được chủ nhà treo ở những nơi trang trọng, vừa trang trí cho ngôi nhà thêm phần sinh khí mới, vừa thể hiện ước vọng của chủ nhà về một năm mới bình yên, thuận lợi và may mắn . Những ước vọng tốt đẹp cho một năm mới được lồng trong những nét mực uyển chuyển, không chỉ là những tác phẩm nghệ thuật thư pháp mà còn bộc lộ tấm lòng, tính cách, tâm hồn và cả sự sáng tạo của mỗi cá nhân
Mặc dù n gày nay, việc xin chữ, cho chữ không còn nặng nghi lễ như thuở xưa nhưng hình ảnh người viết câu đối, lời chúc, thư pháp hình ảnh của những người xếp hàng, ngồi ghế chờ đến lượt, trân trọng cầm tờ giấy còn ướt mực, ngắm nét chữ “phượng múa rồng bay” đủ là một hình ảnh đẹp đẽ, rực rỡ ngày đầu Xuân năm mới.
Phòng thời sự