Tin tức

Tín chỉ carbon - Giá trị mới từ rừng

Thứ hai, 19/02/2024 - 05:35

Năm 2023 đánh dấu một cột mốc rất quan trọng: lần đầu tiên trong lĩnh vực lâm nghiệp, Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng thông qua Ngân hàng Thế giới. Với đơn giá 5 USD/tấn carbon hấp thụ, tổng giá trị của hợp đồng lên tới 51,5 triệu USD (khoảng 1.250 tỉ đồng).

 
 
Nguồn lực tài chính này có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Rõ ràng tín chỉ carbon đã trở thành giá trị mới từ rừng. Hiện rất nhiều địa phương có độ che phủ rừng cao đã sẵn sàng và kỳ vọng có thể sớm thương mại hóa tín chỉ carbon rừng.

 Đây là khu vực rừng tự nhiên khoảng 120ha do tổ bảo vệ rừng cộng đồng thôn Ruộng, xã Hương Tân, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị bảo vệ, chăm sóc. Khu vực này được chủ rừng đánh giá có độ che phủ và mật độ đông đặc của rừng tự nhiên đạt tiêu chuẩn. Trung bình mỗi ha rừng tự nhiên như thế này sẽ được chi trả 120.000 đồng/năm từ dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng. Bắt đầu từ 2023, Quảng trị là 1 trong 6 địa phương Bắc Trung Bộ được thí điểm nhận nguồn tiền từ hấp thụ và lưu giữ cacborn của rừng.

Năm 2023, Quỹ BV và phát triển rừng VN đã nhận được 41,2 triệu USD (tương đương 997 tỷ đồng) từ quỹ carbon. Số tiền phân bổ cho các địa phương như sau: Thanh Hóa: > 162,5 tỷ đồng; Nghệ An: ~282,5 tỷ đồng; Hà Tĩnh: ~122,8 tỷ đồng; Quảng Bình: ~ 235,6 tỷ đồng; Quảng Trị: >51 tỷ đồng; Thừa Thiên Huế: ~ 107,4 tỷ đồng Bên cạnh nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng thì đây là khoản thu nhập cao, bền vững đối với nhiều hộ dân, nhất là đồng bào dân tộc sống gần rừng.

Tín chỉ carbon rừng được tạo ra từ các hoạt động dự án giảm phát thải nhà kính, như giảm mất rừng và suy thoái rừng; tăng cường bể hấp thụ từ hoạt động trồng rừng, trồng lại rừng, tái tạo thảm thực vật và hoạt động tăng cường quản lý rừng. Chủ rừng có thể quy đổi diện tích rừng đang quản lý, bảo vệ ra lượng hấp thụ khí CO2, ra tín chỉ carbon và có thể bán tín chỉ này tại thị trường carbon qua cơ chế giảm phát thải khí nhà kính. Những khoản tiền đầu tiên từ bán tín chỉ carbon rừng có ý nghĩa to lớn, không chỉ về kinh tế mà còn môi trường, xã hội.

Ngoài dự án chuyển nhượng 10,2 triệu tấn CO2 vùng Bắc Trung Bộ cho Ngân hàng tái thiết quốc tế, trong tương lai, nếu có hành lang pháp lý đầy đủ, việc thương mại hóa tín chỉ carbon rừng ở Việt Nam có tiềm năng vô cùng lớn.

Theo tính toán: Rừng Việt Nam có tiềm năng tạo ra khoảng 50 - 70 triệu tấn tín chỉ carbon rừng dôi dư, nếu xuất khẩu thành công thì nguồn thu có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Đây quả là  giá trị mới và ý nghĩa từ rừng! Trong lúc chờ hành lang pháp lý và thị trường tín chỉ carbon vận hành, các địa phương có rừng đang xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng carbon rừng để sẵn sàng tham gia thị trường carbon trong nước và quốc tế./.

 
Phòng Thời sự

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang chủ, cột giữa OK TT