Tin tức

Lâm Đồng: Phát huy tiềm năng du lịch làng nghề

Thứ bảy, 09/03/2024 - 07:30

Lamdongtv.vn - Với lợi thế về địa hình, khí hậu và các sản phẩm làng nghề độc đáo, mang nhiều nét văn hóa dân tộc phong phú, trong thời gian qua Lâm Đồng đã phát triển các loại hình du lịch từ các làng nghề nông thôn.

Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn tạo sinh kế, việc làm, tăng thu nhập nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng cung cấp dịch vụ.
 
 

Làng hoa Một trong những làng nghề thu hút đông đảo khách du lịch phải kể đến các làng nghề trồng hoa ở TP Đà Lạt. Với vị trí địa lý các làng hoa nằm trong lòng Thành phố với điều kiện giao thông và các hạ tầng dịch vụ thuận lợi, nhiều nông dân ở các làng hoa Đà Lạt bên cạnh đẩy mạnh sản xuất hoa thương phẩm họ cũng đã giành không gian trên các vườn hoa để du khách đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử, quy trình sản xuất hoa của mình. Từ đó hình thành nên những mô hình du lịch canh nông được đầu tư bài bản ngày càng thu hút nhiều khách du lịch.

 

Hiện toàn tỉnh có 09 làng nghề gắn với hoạt động du lịch, các lễ hội trên địa bàn, có rất nhiều làng nghề có những sản phẩm, những thương hiệu nổi tiếng, có sức hấp dẫn rất lớn như các: Làng nghề hoa trên địa bàn thành phố Đà Lạt; Làng nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà gắn với tuyến du lịch đèo Tà Nung và điểm du lịch thác bảy tầng; Làng nghề truyền thống rượu cần “Bon Lang Biang” tổ dân phố Đăng Gia Rít B, Thị trấn Lạc Dương gắn với Khu du lịch Lang Biang; Làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm Buôn Ka Tung, thôn 2, xã Đạ Long, huyện Đam Rông gắn với suối nước nóng Đạ Long; Làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm thôn K’Long, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng gắn với tuyến du lịch Quốc lộ 20 và điểm du lịch Làng Gà.

Mỗi người dân ở các làng nghề trở thành hướng dẫn viên du lịch khi bản thân họ bằng tất cả tâm huyết đã giới thiệu đến du khách những sản phẩm du lịch cũng chính là nét văn hóa của quê hương, dân tộc mình.
 
Theo đánh giá của ngành chức năng Lâm Đồng, mặc dù du lịch làng nghề trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã thu hútmột lượng du khách đáng kể nhưng vẫn chỉ là những nỗ lực tự phát, chưa hình thành được cách làm chuyên nghiệp.

Bởi vậy, vấn đề cần có các giải pháp để du lịch làng nghề thực sự phát huy tiềm năng và hiệu quả, đóng góp ngày một lớn, bền vững hơn cho mục tiêu phát triển du lịch cũng như phát triển kinh tế, xã hội, bảo tồn các giá trị văn hóa… được coi là nhiệm vụ hết sức cấp thiết, nhất là trong giai đoạn Việt Nam đang từng bước hội nhập toàn diện cùng với châu lục và thế giới. Trong đó công tác xây dựng thương hiệu, quảng bá và kết nối, xúc tiến thương mại du lịch có vai trò quan trọng.
 
Phát triển du lịch làng nghề là một hướng đi phù hợp, được nhiều địa phương ưu tiên trong chính sách quảng bá và phát triển du lịch của Lâm Đồng. Những lợi ích to lớn của việc phát triển du lịch làng nghề không chỉ thể hiện ở những con số tăng trưởng lợi nhuận kinh tế, ở việc giải quyết nguồn lao động khu vực nông thôn mà hơn thế nữa, còn là một cách thức gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hoá đa dạng của 47 dân tộc anh em trên toàn tỉnh.

Phát triển du lịch nông thôn đã khai thác, phát huy có hiệu quả các nguồn lực, tài nguyên du lịch của Lâm Đồng gắn với tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của tỉnh, tạo sự chuyển biến mới trong phát triển du lịch, xây dựng tỉnh Lâm Đồng trở thành điểm đến an toàn, thân thiện, mến khách và chất lượng.
 
Mai An

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa OK