Tin tức

Hiệu quả từ ứng dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp

Thứ năm, 07/03/2024 - 06:26

Lamdongtv.vn - Áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất là giải pháp tối đa hóa năng suất, chất lượng sản phẩm. Cũng nhờ các trang thiết bị hiện đại mà nông dân Lâm Đồng đã giảm thiểu các chi phí sản xuất nhất là chi phí về nhân công đang ngày càng khan hiếm, đắt đỏ, mặt khác độ thẩm thấu phân, nước trên cây trồng đồng đều và đem lại năng suất, chất lượng nông sản cao hơn.


Gia đình ông Phạm Xuân Khoa ở xã N’Thol Hạ huyện Đức Trọng canh tác rau trong nhà kính. Từ ngày ông áp dụng công nghệ tưới tự động đã đem lại nhiều lợi ích trong canh tác. Trong đó, chi phí nhân công, điện nước giảm đến 80%, mặt khác độ thẩm thấu phân, nước trên cây trồng đồng đều và đem lại năng suất, chất lượng nông sản cao hơn.






Cũng với mong muốn giảm chi phí, giảm ngày công và tăng năng suất lao động, anh Lê Thanh Sơn ở xã Gung Ré, huyện Di Linh đã sáng chế ra ;Máy chăm sóc, bón phân tự động” trên cơ sở chiếc máy cày mà bà con vẫn sử dụng hằng ngày. Với việc lắp đặt thêm một số trang thiết bị, chiếc máy cày đã trở thành máy đào xới, bón phân, lấp đất tự động với năng suất cao gấp nhiều lần công lao động bằng sức người.

 

Nông dân Lâm Đồng ham học hỏi, sáng tạo và nâng cao năng suất lao động nhờ máy móc Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, sự phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, giao thông nội đồng, hệ thống thuỷ lợi đồng bộ tại các địa phương trong tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển cơ giới hoá nông nghiệp nhất là trong các khâu làm đất, chăm sóc và vận chuyển.

Cụ thể, tỷ lệ cơ giới hoá trong khâu làm đất hiện nay đạt khoảng 78%; gieo trồng 11%; tưới nước 76%; chăm sóc 70%, thu hoạch 11%; sơ chế gần 30%.

 Trong chăn nuôi cơ giới hóa khâu chuồng trại 60 %, khâu cải tạo giống 70%, sản xuất thức ăn 73,5, khâu thu hoạch 22,5%, khâu vận chuyển 77,5% ổn định và khâu sau thu hoạch 25%. Tỷ lệ này không ngừng tăng qua các năm.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng Lâm Đồng, cơ giới hoá mặc dù đã có sự phát triển, tuy nhiên mức độ phát triển và ứng dụng chưa có sự đồng đều trong các khâu và hạn chế trong các khâu gieo trồng, thu hoạch nông sản.

Vì vậy, để không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, thu nhập từ nông sản, Lâm Đồng cần có các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất một cách đồng bộ, hiệu quả hơn. Đây là nền tảng để Lâm Đồng phát triển nền nông nghiệp hiện đại bền vững./.
 
Mai An

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa OK