Tin tức

Phụ nữ vùng sâu và khát vọng làm giàu.

Thứ bảy, 09/03/2024 - 07:31

Lamdongtv.vn - Đạ M’rông là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Đam Rông với trên 95% đồng bào DTTS. Người dân đa số sinh sống bằng nghề nông nghiệp với chủ yếu các loại cây trồng chủ lực của địa phương như: bắp, cà phê, lúa nước…

Nhận thấy các loại cây trồng này mang lại hiệu quả không cao, chị Ma Rương, hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Đạ M’rông đã mạnh dạn tìm hiểu và chuyển đổi sang trồng dâu, nuôi tằm. Điều đặc biệt là chị đã thành lập được tổ hợp tác cung ứng tằm con của phụ nữ xã Đạ M’rông, từ đó cung ứng nguồn tằm giống phục nghề trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn huyện vùng sâu này.
 
 

Tổ hợp tác cung ứng tằm con của phụ nữ xã Đạ M’rông, huyện Đam Rông do chị Ma Rương tiên phong sáng lập từ năm 2019 đến nay với 15 thành viên là hội viên phụ nữ xã. Tổ hợp tác chuyên cung ứng giống tằm con cho hội viên phụ nữ và người dân 3 xã: Đạ M’rông, Đạ Tông và Đạ Long.

Sau khi cung ứng giống tằm con, các thành viên Tổ hợp tác sẽ hướng dẫn các hộ trồng dâu, chăm sóc tằm theo đúng quy trình kỹ thuật để đạt năng suất. Mỗi tháng, THT cung cấp khoảng 30 hộp giống tằm con tuổi từ 1 - 3, giúp các thành viên có thu nhập ổn định từ 6 - 7 triệu đồng.
 
 

  Hiện, trên địa bàn xã Đạ M’rông có 100 ha trồng dâu được chuyển đổi từ diện tích đất trồng bắp kém hiệu quả và đất trồng lúa một vụ với khoảng 200 hộ dân trồng dâu, nuôi tằm, phần lớn là hộ đồng bào DTTS.

Từ việc thực hiện mô hình phát triển kinh tế này, người dân nơi đây đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao và dần vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Việc cung ứng tằm con tại chỗ giúp giảm chi phí đi lại và thời gian đi lấy tằm giống cho hội viên phụ nữ cũng như người dân. Tằm con được nuôi trong điều kiện thích hợp về thức ăn, ẩm độ, điều kiện vệ sinh sát trùng... theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật quy định.

Để hội viên phụ nữ và người dân yên tâm với nghề trồng dâu, nuôi tằm, Tổ hợp tác cung ứng tằm con của phụ nữ Đạ M’rông đang nâng cấp lên thành Hợp tác xã dâu tằm Đạ M’rông để không chỉ cung ứng giống tằm con chất lượng mà còn xây dựng chuỗi liên kết với các hộ chăn nuôi tằm thu mua kén tằm với giá cả ổn định.

Trước hiệu quả của mô hình trong việc hỗ trợ thúc đẩy kinh tế bằng nghề trồng dâu nuôi tăm khá hiệu quả tại vùng đất còn đầy gian khó này đã giúp cho dự án “Tổ hợp tác cung ứng tằm con tuổi từ 1 - 3” của chị Ma Rương đoạt giải Nhất tại Hội thi “Phụ nữ khởi nghiệp - sáng tạo, kết nối năm 2023” do Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng tổ chức. Điều này cho thấy nỗ lực và khát vọng sáng tạo của những người phụ nữ vùng sâu như chị Ma Rương vươn lên làm giàu khẳng định vị thế của mình trong gia đình và xã hội./.
 
Lô Thanh

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa OK