Lamdongtv.vn - Thời gian gần đây, ở một số tỉnh, thành phố đã xảy ra nhiều vụ cướp ngân hàng với thủ đoạn manh động, liều lĩnh, trong đó có địa phương Lâm Đồng. Các đối tượng đeo khẩu trang che kín mặt, thậm chí còn sử dụng vũ khí nóng khi gây án.
Gần đây nhất là vụ cướp ngân hàng xảy ra tại huyện Đức Trọng vào ngày 8/2 gây tâm lý hoang mang cho người dân và ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự tại các địa phương.
Do nợ nần trong quá trình kinh doanh, Nguyễn Thành Trung (32 tuổi, thường trú tại thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng) đã dùng súng uy hiếp cướp hơn 3,5 tỷ đồng tại Ngân hàng Vietinbank chi nhánh huyện Đức Trọng.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, sau 10 tiếng đồng hồ tập trung lực lượng, tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm, Công an tỉnh Lâm Đồng cùng các đơn vị nghiệp vụ, công an các địa phương đã kịp thời bắt giữ và thu hồi lại toàn bộ số tiền bị cướp.
Qua vụ việc xảy ra cho thấy ngoài sự manh động, liều lĩnh của các đối tượng gây án, một phần còn do xuất phát từ sự chủ quan của các đơn vị ngân hàng, chủ cơ sở kinh doanh trang sức trong việc bảo vệ tài sản.
Bên cạnh đó, nhiều đơn vị, cơ sở chưa thực hiện đầy đủ các khuyến cáo về bảo đảm an ninh, ý thức cảnh giác của cán bộ, nhân viên, đội ngũ bảo vệ chưa cao, số lượng nhân viên và bảo vệ ít, thiếu kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng, xử lý các tình huống bất ngờ.
Theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa bàn Lâm Đồng có gần 150 chi nhánh, phòng giao dịch của các ngân hàng và quỹ tín dụng cùng hàng trăm cửa hàng kinh doanh vàng bạc, đá quý. Để đảm bảo an toàn trong kinh doanh và an ninh trật tự, thời gian qua, Công an tỉnh và các huyện, TP đã đẩy mạnh tuyên truyền đến các đơn vị này về phương thức, thủ đoạn của tội phạm cướp, cướp giật tài sản.
Tổ chức thực hành các phương án, tập huấn xử lý tình huống, sử dụng thành thạo công cụ hỗ trợ, kỹ năng phát hiện đối tượng nghi vấn cho các cán bộ ngân hàng, bảo vệ. Lực lượng công an cũng triển khai các biện pháp nghiệp vụ nắm chắc địa bàn, đối tượng để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và đấu tranh hiệu quả với tội phạm cướp ngân hàng, cửa hàng vàng bạc.
Quy trình hướng dẫn khách khi vào giao dịch, chú ý các biểu hiện khả nghi, tháo khẩu trang, bỏ mũ bảo hiểm, được tập huấn về mặt an ninh…. Kinh nghiệm và bài học từ vụ cướp, công tác tuyên dụng bảo vệ, tăng cường nâng cao ý thức cảnh giác trong nhân viên, cán bộ
Từ sự thành công của mô hình tiếng chuông cảnh báo được triển khai có hiệu quả tại Công an phường 1 – TP Đà Lạt, công an tỉnh Lâm Đồng cũng đã nhân rộng mô hình này trên địa bàn toàn tỉnh. Hoạt động của mô hình “tiếng chuông cảnh báo” là sự kết nối hệ thống báo động truyền trực tiếp 24/24 giờ từ các ngân hàng về trụ sở công an cơ sở gần nhất để chủ động, kịp thời thu nhận thông tin một cách nhanh chóng, kiểm soát tình hình liên quan đến ANTT, góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm và ổn định tình hình địa bàn. Với hệ thống này, khi xảy ra sự việc, phía ngân hàng nhấn nút bí mật thì lực lượng công an trực tiếp tiếp nhận và kịp thời triển khai hỗ trợ công tác bảo đảm an ninh trật tự.
Những vụ cướp ngân hàng xảy ra gần đây tại một số nơi trong cả nước cũng như tại Lâm Đồng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về hoạt động của loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm này… Vì vậy bên cạnh sự vào cuộc của các lực lượng chức năng, các ngân hàng, tiệm vàng bạc tiếp tục nâng cao cảnh giác trước các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm cướp tài sản; tăng cường công tác an ninh, nâng cao ý thức tự bảo vệ tài sản, phối hơp với lực lượng công an xây dựng và triển khai mô hình chuông báo động để kịp phản ứng khi có sự cố xảy ra.
Song song đó cần bố trí nhân viên bảo vệ đủ số lượng, sức khỏe tốt, trang bị công cụ hỗ trợ, có kỹ năng nghiệp vụ, khắc phục những sơ hở trong quy chế, quy trình công tác liên quan đến quản lý tài sản, giao dịch với khách hàng…... qua đó góp phần hiệu quả trong việc đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm, ổn định trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh./.