Lamdongtv.vn - Tại Hà Nội, Phó Thủ tướng chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam đã chủ trì hội nghị trực tuyến tổng kết công tác người cao tuổi năm 2023 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.
Hội nghị với sự tham dự của lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành Trung ương và 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố. Tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng có Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các Sở, Ngành của tỉnh đã tham dự.
Báo cáo tại hội nghị cho biết, cả nước hiện có 16,1 triệu người cao tuổi, chiếm trên 16% dân số, trong đó có 2,6 triệu người từ 80 tuổi trở lên. Thời gian qua, công tác người cao tuổi luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, trong đó đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật và hệ thống văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện đầy đủ, toàn diện và đã được cụ thể hóa tại Nghị quyết số 42 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII với mục tiêu “Đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội theo hướng toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững; xây dựng và thực hiện chính sách xã hội phải đặt trong tổng thể quản lý phát triển xã hội bền vững; giải quyết hài hoà các quan hệ xã hội, kiểm soát phân hoá xã hội, bảo đảm an sinh cho Nhân dân trong quá trình phát triển”.
Năm 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia năm 2023. Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi ban hành kế hoạch, chương trình chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi.
Các Bộ ngành, địa phương và Trung ương Hội người cao tuổi ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình hành động Quốc gia về người cao tuổi, chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi. Về trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định, đến nay đã có 1,5 triệu người cao tuổi được hưởng trợ cấp và cấp thẻ bảo hiểm y tế, khoảng 10 ngàn người cao tuổi được nuôi dưỡng.
Việc tổ chức thực hiện chế độ, chính sách đối với người cao tuổi bảo đảm đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, đã có 14 tỉnh/thành phố nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội, trợ giúp xã hội cao hơn mức chuẩn quy định, 32 tỉnh/thành phố mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách trợ giúp xã hội, trong đó phần lớn là người cao tuổi. Đời sống vật chất, tinh thần của người cao tuổi ngày càng được cải thiện, đặc biệt là người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn.
Trên cơ sở những thực trạng và yêu cầu đặt ra cho người cao tuổi hiện nay, tại hội nghị lãnh đạo các Bộ, Ngành Trung ương và các địa phương đã tập trung phát biểu, thảo luận một số nội dung liên quan đến công tác đầu tư cơ sở vật chất, chăm lo đời sống, sức khỏe cho người cao tuổi, các chế độ, chính sách cho người cao tuổi cả về vật chất và tinh thần, nhất là quan tâm các địa bàn vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn.
Ngoài ra, các ngành, địa phương còn đặt ra vấn đề cần xã hội hóa, thu hút nguồn lực nhằm đầu tư phát triển đa dạng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, văn hóa, rèn luyện thân thể tại cộng đồng, cơ sở trợ giúp xã hội, nhằm góp phần bảo đảm cho các hoạt động của người cao tuổi./.