Tại Sóc Trăng, khi tình hình hạn, mặn xâm nhập đang diễn ra gay gắt, nông dân ở nhiều địa phương có nhiều giải pháp nhằm thích ứng với hạn hán, mặn xâm nhập. Nổi bật trong đó là mô hình dự trữ nước ngọt trong ao, mương, mô hình tưới phun tiết kiệm nước và chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với hạn, mặn xâm nhập.
Nhằm ứng phó với hạn mặn, năm nay, gia đình anh Nguyễn Trường Khanh đã nạo vét khoảng 1.000m2 ao để trữ nước ngọt phục vụ tưới tiêu hơn 1ha trồng màu của gia đình. Và để tiết kiệm nguồn nước gia đình đầu tư hệ thống tưới nước phun sương bằng hệ thống ống nhựa.
Tại huyện Long Phú, những ngày qua tình hình hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra phức tạp khiến nhiều diện tích lúa, cây ăn trái và rau màu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngành Nông nghiệp huyện đã khuyến cáo người dân sử dụng các giống cây trồng, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất, trữ nước ngọt ở các ao, mương vườn để phục vụ sản xuất,...
Còn tại xã Thạnh Phú huyện Mỹ Xuyên, thay vì sản xuất lúa vụ hè thu 2024, nông dân đã mạnh dạng chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng dưa hấu dưới ruộng.
Theo nhiều nông dân dưa hấu trồng trong mùa hạn hán rất thích hợp bởi chịu được nắng hạn và tiết kiệm được gần 80% lượng nước so với trồng lúa, mặc khác dưa hấu dễ trồng và thu nhập gấp đôi so với cây lúa.
Tỉnh Sóc Trăng hiện đang chủ động tăng cường công tác thông tin về tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân ứng phó kịp thời. Đồng thời chia sẻ nguồn nước trong hoạt động sản xuất tại địa phương; vận hành hợp lý công trình thủy lợi ngăn mặn trữ ngọt, khuyến cáo người dân tích trữ nước phục vụ sản xuất và đời sống sinh hoạt./.
PHÒNG THỜI SỰ