Lamdongtv.vn - Tại Tp Đà Lạt, Viện Nghiên cứu hạt nhân tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày khánh thành công trình Khôi phục và mở rộng lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt.Tham dự có ông Hua Liu, Phó Tổng GĐ Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA), ông Huỳnh Thành Đạt - UVTW Đảng - Bộ Trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Ông Trần Hồng Thái - Thứ Trưởng Bộ Khoa học và công nghệ.
Về phía tỉnh Lâm Đồng, ông Trần Đình Văn – Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy – Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, ông K’ Mák – UVBTV Tỉnh ủy – Phó CT HĐND tỉnh, ông Nguyễn Ngọc Phúc – Phó CT UBND tỉnh, đại diện các sở ngành cùng lãnh đạo, cán bộ, viên chức và người lao động của Viện nghiên cứu Hạt nhân qua các thời kỳ đã tham dự.
Tại lễ kỷ niệm, Tiến sĩ Cao Đông Vũ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân đã đọc diễn văn ôn lại chặng đường 40 năm Ngày lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt được hình thành và phát triển trong đó nêu rõ: Được sự giúp đỡ của Chính phủ Liên bang CHXHCN Xô Viết trước đây, ngày 15/3/1982, Công trình khôi phục và mở rộng lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt được chính thức khởi công và 2 năm sau, vào ngày 20/3/1984, lò phản ứng với tên mới là Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt được chính thức đưa vào vận hành.
Trong 40 năm qua, Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đã hoạt động an toàn, đúng kế hoạch gần 70.000 giờ tại công suất danh định 500 kW để phục vụ cho nghiên cứu khoa học, phân tích mẫu, sản xuất đồng vị phóng xạ cho Y tế, công nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực. Trung bình trong 30 năm đầu, LPƯ vận hành khoảng 1.300 giờ mỗi năm, và tăng lên 3.000 giờ/năm trong 10 năm gần đây.
Đặc biệt, trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, LPƯ vận hành trên 4.500 giờ mỗi năm để sản xuất đủ thuốc phóng xạ cho các cơ sở y tế trong nước và hỗ trợ nước bạn Campuchia. Con số 70.000 giờ hoạt động của LPƯ, tương đương với thời gian làm việc 34 năm của một CBVC, cũng đã minh chứng cho khả năng làm chủ kỹ thuật trong vận hành an toàn LPƯ của đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật của Viện. LPƯHNĐL được đánh giá là “lò sử dụng hiệu quả nhất trong các lò có công suất thấp trên thế giới”.
Viện nghiên cứu Hạt nhân được giao nhiệm vụ quản lý, vận hành và khai thác LPƯ nghiên cứu duy nhất hiện nay của nước ta, suốt 40 năm qua, cán bộ Viện NCHN đã tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp Tỉnh và cấp Viện; Cung cấp khoảng 17.500 Ci thuốc phóng xạ các loại cho các bệnh viện trong nước, phục vụ chẩn đoán, chữa trị cho khoảng 500.000 lượt bệnh nhân/năm.
Sản phẩm của Viện còn xuất khẩu sang Campuchia, giúp nước bạn phát triển ngành y học hạt nhân. Ngoài ra, Viện đã nghiên cứu thành công một số đồng vị phóng xạ mới để chuẩn bị cho Dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học & công nghệ hạt nhân sắp tới. Mỗi năm trung bình trên 4.000 mẫu các loại được phân tích, phục vụ đắc lực cho việc tìm kiếm khoáng sản, tài nguyên nước, dầu khí, nghiên cứu khảo cổ, đánh giá thổ nhưỡng, ô nhiễm môi trường, kiểm soát chất lượng an toàn lương thực - thực phẩm, vv...
Với các kết quả đạt được, Viện NCHN đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 1989, Huân chương Lao động hạng Hai năm 2001, Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2009, Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2014, Giải thưởng Nhà nước về Khoa học & Công nghệ cho Cụm công trình “Nghiên cứu đảm bảo vận hành an toàn và khai thác hiệu quả Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt” năm 2012 và nhiều bằng khen, giải thưởng khoa học khác.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, ông Trần Đình Văn, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng bày tỏ niềm tự hào khi có Viện Nghiên cứu hạt nhân đóng chân trên địa bàn tỉnh với nhiều thành tựu trong nghiên cứu khoa học, kết quả của các đề tài nghiên cứu được áp dụng vào thực tiễn sản xuất và phục vụ đời sống; các hoạt động triển khai và ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị phóng xạ của Viện đã góp phần tích cực vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và của tỉnh Lâm Đồng nói riêng.
Với vai trò, trách nhiệm là một cơ quan nghiên cứu khoa học đầu ngành đóng trên địa bàn tỉnh, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trần Đình Văn đề nghị Viện Nghiên cứu hạt nhân tiếp tục nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho địa phương để ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và trong lĩnh vực y tế, bảo vệ môi trường.
Lâm Đồng với thế mạnh về sản xuất nông nghiệp; tuy nhiên, do biến đổi khí hậu đã và đang tác động rất lớn đến năng suất, chất lượng, hiệu quả của một số loại cây trồng; do đó, rất cần những kỹ thuật, công nghệ mà Viện nghiên cứu hạt nhân có khả năng nghiên cứu, phát triển, nhất là việc chọn tạo giống cây trồng có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao; phát triển các sản phẩm phòng, trị bệnh cho cây trồng; phân tích, kiểm định nông sản, thực phẩm; đánh giá tác động môi trường; bảo vệ môi trường sinh thái trong sản xuất…
Cần tiếp tục quan tâm khuyến khích các hoạt động nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ; phổ biến, ứng dụng, chuyển giao thành tựu khoa học và công nghệ; củng cố và mở rộng hợp tác quốc tế thúc đẩy chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực. Đồng thời cần tiếp tục quan tâm hơn nữa trong việc đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, cho Viện và cho địa phương.
Ghi nhận biểu dương những thành tựu của Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt trong 40 năm qua, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - Huỳnh Thành Đạt cho rằng những đóng góp của Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đã giúp cho Ngành NLNT Việt Nam tiên tiến, hiện đại hơn. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết hiện Bộ đang được giao nhiệm vụ quan trọng là xây dựng Trung tâm Nghiên cứu KHCN hạt nhân với Lò nghiên cứu công suất cao, quy mô lớn hơn nhiều lần so với Lò Đà Lạt hiện nay, nhằm tăng cường cơ sở hạ tầng hạt nhân cho quốc gia, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực KHCN phục vụ cho việc tiếp thu, làm chủ công nghệ hạt nhân.
Trên cơ sở các kết quả, thành tựu đã đạt được trong 40 năm qua, Viện Nghiên cứu hạt nhân nói riêng và Viện NLNT Việt Nam nói chung, sẽ tiếp tục đảm bảo vận hành an toàn và khai thác có hiệu quả hơn nữa lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, cũng như xúc tiến Dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu KH CN hạt nhân với lò phản ứng nghiên cứu công suất cao, đa mục tiêu.
Dịp này, Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam đã trao Kỷ niệm chương cho Giáo sư Phạm Duy Hiển - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp khoa học hạt nhân./.
Lô Thanh