Từ tháng 12/2023 đến nay, nhiều đợt xâm nhập mặn tiếp tục xảy ra ở Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó đỉnh điểm là tháng 3 khi đợt xâm nhập mặn xuất hiện vào các ngày 8 đến 13/3 với ranh mặn 4 phần nghìn đã vào sâu trong các con sông từ 40 - 66 km, có nơi sâu hơn.
Xâm nhập mặn với cường độ cao đã khiến cho Đồng bằng sông Cửu Long thiếu nước ngọt cho sản xuất và sinh, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân.
Từ đầu tháng 2 tới nay, nước mặn theo sông Hậu đã xâm nhập gần 50 km vào địa bàn tỉnh Sóc Trăng, đe dọa đến nhiều diện tích cây trồng của người dân. Tại các tuyến kênh nội đồng ở các huyện Long Phú và Trần Đề đang thiếu nguồn nước ngọt, nhiều diện tích sản xuất lúa của bà con nơi đây có nguy cơ thiệt hại.
Không chỉ nước phục vụ tưới tiêu mà nước sinh hoạt cho người dân Đồng bằng sông Cửu Long, trong mùa hạn mặn năm nay cũng khó khăn không kém. Từ đầu tháng 1 đến nay, nhiều hộ dân ở Cà Mau phải mua nước ngọt với giá 40 – 50 ngàn đồng mỗi mét khối. Và, dù giá cao nhưng việc mua nước cũng không dễ vì phải chờ ghe từ nơi khác chở đến, vài ngày mới có một chuyến.
Đồng bằng sông Cửu Long có hệ thống sông Cửu Long, sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn - Cái Bé… nhưng lại thiếu nước vào mùa khô. Theo các chuyên gia, nguyên nhân do phèn, hạn hán và xâm nhập mặn; Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn ngày càng diễn ra gay gắt, lan rộng và kéo dài, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân.
Tại hội thảo bàn giải pháp sống chung với hạn mặn diễn ra vừa qua tại thành phố Cần Thơ, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng "Sống chung với hạn mặn' được xem là yêu cầu cấp bách ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay. Trong đó, hạn mặn nên được coi như một thuộc tính của Đồng bằng sông Cửu Long để có giải pháp thích ứng phù hợp.
Việc nâng cao nhận thức, thiết kế và triển khai các chương trình hành động cụ thể để ứng phó với tình trạng hạn mặn, cũng như giảm thiểu tác động tiêu cực đối với Đồng bằng sông Cửu Long đang rất cấp bách. Bên cạnh đó, cần quan tâm công tác dự báo, để chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và có giải pháp phù hợp để Đồng bằng sông Cửu Long có thể sống chung với hạn mặn.
PHÒNG THỜI SỰ