Lamdongtv.vn - Tại Tp Đà Lạt, Trung tâm khuyến nông Quốc gia tổ chức Diễn đàn Khuyến nông “Liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu”.
Đại diện ngành nông nghiệp và các doanh nghiệp, các HTX, nông hộ của hơn 20 tỉnh, thành trong cả nước cùng tham dự.
Hiện nay, cả nước có khoảng 495.000 ha canh tác hữu cơ. Tuy nhiên, đây vẫn là con số khiêm tốn so với 71 triệu ha canh tác hữu cơ của thế giới và 11,53 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.Trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC), liên kết chính là chìa khóa giúp phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, đảm bảo hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia.
Hiện nay có các hình thức liên kết chính như: Doanh nghiệp liên kết với nông hộ thông qua mô hình liên kết tập trung hoặc mô hình nông dân làm gia công cho doanh nghiệơ; Giữa nông dân và người mua, HTX đóng vai trò trung gian ký hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp rồi tổ chức thu mua của xã viên để bán lại cho doanh nghiệp; Mô hình liên kết bốn nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông, doanh nghiệp).
Tại Lâm Đồng, hiện có gần 1.600 ha được cấp giấy chứng nhận hữu cơ, trong đó trồng trọt hơn 1.400 ha, chăn nuôi 140 ha trồng cỏ nuôi hơn 1. 000 con bò sữa.
Đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng đã hỗ trợ xây dựng được 10 chuỗi liên kết, sản xuất tiêu thụ sản phẩm hữu cơ bao gồm: 4 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau, củ, quả, măng tây, dược liệu; 2 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cà phê hữu cơ; Hỗ trợ 1 chuỗi liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến gắn liền với tiêu thụ sản phẩm nấm hương; 1 chuỗi sản xuất và thu mua mắc ca tại và 2 chuỗi sản xuất và thu mua lúa gạo.
Các chuỗi liên kết đã giúp nông dân hiểu và sản xuất theo kế hoạch, theo quy trình tiêu chuẩn, từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm, tạo ra các sản phẩm hữu cơ đồng nhất, chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, từ đó từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân.
Trước những thực trạng của sản xuất NNHC, diễn đàn lần này đã tập trung phân tích những khó khăn trong quá trình hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất NNHC như: Chính sách ưu đãi đối với sản xuất NNHC còn chưa hoàn thiện và đồng bộ; Danh mục đầu vào trong sản xuất NNHC chưa được ban hành; Phí chứng nhận sản phẩm hữu cơ còn cao, trong khi người nông dân vẫn còn mang nặng tư duy sản xuất nông nghiệp theo lối cũ.
Vì vậy các nhà quản lý, các nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp tại diễn đàn đã đề xuất các giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển NNHC đó là cần có chính sách ưu đãi đối với sản xuất NNHC; xây dựng, quản lý các tổ chức chứng nhận sản xuất phù hợp theo tiêu chuẩn NNHC; đẩy mạnh liên kết sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Bên cạnh đó nhà nước cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, thông tin tuyên truyền cho phát triển nông nghiệp hữu cơ theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu./.
Mai An