Thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện nhiều chính sách chăm lo cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm mục tiêu nâng cao tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số được chăm sóc, giáo dục
tại trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, góp phần duy trì kết quả phổ cập giáo dục.
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Linh Phú, huyện Chiêm Hóa có 607 học sinh, 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Quãng đường từ nhà tới trường rất xa nên học sinh phải ở lại bán trú, nhưng nhờ chính sách của nhà nước trong việc hỗ trợ tiền ăn, ở bán trú nên các em rất vui mừng phấn khởi
. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các em có điều kiện ăn, ở, học tập tốt hơn, năm học 2023 - 2024, nhà trường được đầu tư xây dựng 9 phòng bộ môn, 14 phòng ở và mua sắm trang thiết bị với tổng trị giá 14,2 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Hàm Yên được đầu tư xây dựng thêm 12 phòng học, 24 phòng nội trú, nhà bếp và nhà ăn cho học sinh với kinh phí hơn 17 tỷ đồng. Dự kiến năm học 2024-2025, các công trình trên sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Sau 3 năm thực hiện Kế hoạch số 83 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang về Phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh hiện có 7 trường phổ thông dân tộc nội trú và 39 trường phổ thông dân tộc bán trú với gần 23.000 học sinh; trong đó có hơn 21.100 học sinh dân tộc thiểu số.
Giai đoạn 2021 - 2024, UBND các huyện trong tỉnh tích cực huy động, lồng ghép, ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng mới 184 phòng ở bán trú, 11 nhà ăn, 12 công trình vệ sinh nước sạch, 188 phòng học; mua sắm trang thiết bị dạy học, thiết bị phục vụ công tác nội trú, bán trú. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị trên 192 tỷ đồng…
Tuyên Quang là tỉnh miền núi, có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khá cao, điều kiện kinh tế - xã hội ở khu vực vùng sâu,vùng xa vẫn còn nhiều khó khăn. Những chính sách hỗ trợ cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, tạo điều kiện cho học sinh vùng đặc biệt khó khăn có cơ hội viết tiếp những ước mơ và được cắp sách đến trường./.
PHÒNG THỜI SỰ