Lamdongtv.vn - Nhà kính tạo tiểu khí hậu phù hợp với yêu cầu sinh thái của từng loại cây trồng, cho năng suất cao, chất lượng tốt, giảm chi phí vật tư nông nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả mang lại thì mặt trái của sự phát triển ồ ạt nhà kính cũng kéo theo nhiều hệ lụy. Nhất là gây nên ngập lụt cục bộ mùa mưa, hạn hán mùa khô, làm tăng nhiệt độ môi trường xung quanh và mất mỹ quan đô thị.
Vì vậy cần có một giải pháp phát triển NNCNC không nhà kính thân thiện môi trường về lâu về dài nhưng mà vẫn mang lại hiệu quả kinh tế.
Đây là diện tích canh tác ngoài trời loại tỏi có nguồn gốc từ Israel của ông Nguyễn Thế Hiển tại phường 7 – Tp Đà Lạt. Ông là 1 trong 11 nông hộ được Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt hỗ trợ thực hiện 5ha mô hình nông nghiệp thông minh ngoài trời. Điều đáng mừng là loại tỏi này trồng tại Đà Lạt có năng suất, chất lượng cao, được người tiêu dùng ưa chuộng. Vì vậy mà giá bán tại vườn luôn cao với 70 ngàn đồng/1kg.
Thời gian qua, thành phố Đà Lạt tích cực thực hiện kế hoạch cơ cấu ngành Nông nghiệp, hỗ trợ khuyến nông cho bà con nông dân. Trong đó, xây dựng 3 mô hình trồng dâu tây và 4 mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng thông minh, 6 mô hình phát triển hoa lay ơn giống mới màu đỏ nhập khẩu từ Hà Lan; 1 mô hình trình diễn áp dụng tiến bộ kỹ thuật trồng cà chua trên giá thể, 6 mô trồng dâu tây cấy mô ngoài trời, 9 mô hình trồng tỏi tím ngoài trời, 1 mô hình trồng hành tây giống mới.
Ngoài ra, Đà Lạt còn hỗ trợ nông dân vùng hồng 40 máy hút ẩm, giảm hao hụt trong quá trình sản xuất hồng treo gió, 1 thiết bị lọc nước cho phòng nuôi cấy mô.
Tổng kinh phí hỗ trợ là 2,5 tỷ đồng. Điểm mới của chương trình hỗ trợ nông nghiệp là các mô hình hướng tới canh tác ngoài trời, thân thiện với tự nhiên, phù hợp với yêu cầu giảm diện tích nhà kính của TP Đà Lạt trong đó lay ơn là một loại hoa đảm bảo được các tiêu chí trên.
.
Cũng như một số mô hình ở Đà Lạt, tại các huyện trong tỉnh mà điển hình là nông dân Phạm Thế Tuấn ở xã Lộc Thành - Huyện Bảo Lâm đã thành công với mô hình sản xuất hữu cơ không nhà kính để bảo vệ môi trường.
Những bức vách dựng đứng để tiết kiệm kiện tích được phủ xanh bằng rau xà lách, những trụ nhựa cao tới 3 mét ngay trong sân nhà ken kín cải bắp tươi ngon và cả những mảnh vườn dưa leo trĩu quả…
Tất cả đều được gia đình anh Phạm Thế Tuấn sản xuất ngoài trời theo hình thức khí canh tiêu chuẩn hữu cơ. Mô hình này không sử dụng đất, các chất hữu cơ được hòa tan vào nước và tưới cho cây dưới dạng phun sương đã đạt năng suất, chất lượng nông sản vượt trội.
Theo các ngành chức năng, nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất CNC không nhà kính cần có các giải pháp lai tạo, khảo nghiệm giống mới phù hợp có hiệu quả kinh tế cao và thích ứng canh tác ngoài trời. Đồng thời hỗ trợ kinh phí đối với vùng sản xuất nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hỗ trợ cây xanh để trồng trên diện tích đất không nhà kính. Ngân sách nhà nước hỗ trợ 40%, người dân đối ứng 60% để phát triển mô hình liên kết sản xuất công nghệ cao kiểu mẫu. Ngoài ra, nông hộ được hỗ trợ một lần 70% chi phí mua giống cây trồng, thiết bị, vật tư thiết yếu để thực hiện sản xuất trên diện tích chuyển đổi sang sản xuất ngoài trời.
Mặt khác Đà Lạt nói riêng và các huyện nói chung cần có sự chuyển đổi một số diện tích sang các mô hình du lịch canh nông, tham quan, trải nghiệm nông nghiệp.
Hơn nữa, để có thể chuyển đổi phương thức sản xuất cần có sự nghiên cứu kỹ để gắn với thực tiễn với những bước đi thận trọng, tránh nóng vội, máy móc nhằm đảm bảo hài hòa cả lợi ích kinh tế lẫn lợi ích môi trường, mỹ quan đô thị./.
Mai An