Tin tức

Chuyển đổi số - Hướng đi tất yếu trong phát triển nông nghiệp

Thứ sáu, 10/05/2024 - 05:59

Lamdongtv.vn - Chuyển đổi số (CĐS) trong nông nghiệp đã đem lại những tác động tích cực, giúp giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Những ứng dụng CĐS làm tăng giá trị và vị thế nông nghiệp Lâm Đồng. Ứng dụng những công nghệ chuyển đổi số vào quy trình sản xuất, mỗi thiết bị trong nhà kính này đều cảm biến, được kết nối với máy tính qua Internet, chế độ hoạt động được thiết kế sẵn.

Nếu nhiệt độ trong nhà kính vượt ngưỡng cài đặt , màng chắn sáng sẽ tự động mở. Máy tưới nước phun sương tự nhận biết chế độ ẩm ở trong nhà kính. Khi độ ẩm dưới giới hạn cài đặt, máy tự động tưới nước, từ đó mang lại hiệu quả rõ nét trong quá trình sinh trưởng, phát triển của hoa lan.
 
 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, có khoảng 26 doanh nghiệp tiếp cận ứng dụng công nghệ IoT, công nghệ GIS thông minh quản lý và dự báo sâu bệnh, truy xuất nguồn gốc điện tử, công nghệ đèn LED...; 13 doanh nghiệp được công nhận là “doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao”; 90 hợp tác xã, trang trại ứng dụng công nghệ IoT, canh tác hữu cơ; 182 chuỗi liên kết với sự tham gia của 201 doanh nghiệp, hợp tác xã và gần 17.000 hộ nông dân...

Từ đó, nhằm tận dụng tối đa lợi thế, phát triển nền nông nghiệp hiện đại, có thương hiệu và chất lượng cao ở các trang trại trồng rau, hoa, dâu tây, cà chua và bò sữa..; nhiều trang trại đã cho doanh thu từ 5 - 8 tỷ đồng/ ha/ năm; hoa cao cấp 24 tỷ đồng/ ha/năm.
  
Cũng theo các chuyên gia, để phát huy hơn nữa thế mạnh CĐS trong nông nghiệp, Lâm Đồng cần tiếp tục áp dụng chính sách hỗ trợ phát triển các mô hình ứng dụng đồng bộ giải pháp IoT trong quản lý trang trại, sản xuất, bán hàng nông sản.

Đồng thời, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, để chủ động trong quá trình tiếp cận nông nghiệp thông minh 4.0; xây dựng kế hoạch dài hạn triển khai nông nghiệp thông minh 4.0, nông nghiệp hữu cơ với những sản phẩm OCOP có tính đặc thù mỗi địa phương.

Từ đó, tiến tới xây dựng hạ tầng công nghệ số hiện đại và đồng bộ; nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ viễn thông, hỗ trợ người nông dân sử dụng thiết bị công nghệ thông tin; đưa công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp; nâng cấp cơ sở hạ tầng nhằm tạo điều kiện cho việc tiếp cận và ứng dụng kỹ thuật số vào lĩnh vực nông nghiệp địa phương.
 
 Mai An

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

OK Quảng cáo trang nội dung, cột giữa