Lamdongtv.vn - Mặc dù các cấp, các ngành chức năng trong tỉnh đã quyết liệt dẹp nạn xe “dù”, bến “cóc”. Tuy nhiên, sau những đợt tuần tra, kiểm soát trật tự ATGT, thời gian gần đây tình trạng bến “cóc” đang có chiều hướng tái diễn trở lại, có thể nói là vẫn ngang nhiên tồn tại.
Tình trạng này đã gây không ít khó khăn cho công tác quản lý vận tải hàng khách và gây mất trật tự ATGT trên địa bàn thành phố Đà Lạt nói riêng và toàn tỉnh nói chung.
Có mặt tại vòng xuyến tuyến đường - Phạm Hồng Thái - Trần Hưng Đạo - Hùng Vương - Tp Đà Lạt vào bất cứ lúc nào trong ngày, không quá khó để bắt gặp tình trạng kẹt xe kéo dài. Vấn đề này do một đơn vị vận tải tuyến Đà Lạt - Sài Gòn thuê làm văn phòng đại diện và nơi đưa đón khách. Vô hình chung lại trở thành một bến cóc trong nội ô, vừa gây mất an toàn giao thông, vừa tạo ra hình ảnh lộn xộn, phản cảm ngay tại cửa ngõ hướng đèo Mimoza vào TP Đà Lạt
Trên địa bàn TP Đà Lạt hiện nay, không chỉ có điểm “bến cóc” trên, mà còn tồn tại và xuất hiện nhiều điểm khác như khu vực Phạm Ngũ Lão, Golf Valey, Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch cũ. Hầu hết các xe này đều đã đăng ký chạy tuyến cố định nhưng lại không vào bến mà chọn một điểm thích hợp tại một số tuyến phố, điểm thuận lợi để dừng, đỗ, chạy quay vòng ngang nhiên đón khách
Mặc dù các địa phương đều đã quy hoạch và xây dựng bến xe khách, tuy nhiên nhiều năm trở lại đây, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vận tải hành khách thường hoạt động theo hình thức xe gia đình, xe hợp đồng, đón khách tận nơi hoặc thuê nhà làm văn phòng đại diện sẵn làm nơi tập kết, đón khách. Chỉ qua một thời gian, những nơi này cũng trở thành những “bến cóc”.
Tại những điểm này, nhà xe đón, trả khách sai quy định nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm cản trở giao thông, bất an cho người đi đường. Không chỉ vậy, có nơi tổ chức bài bản như một bến xe thực thụ, đông đảo nhân viên và phương tiện vận chuyển đưa đón khách về nơi tập kết.
Theo lãnh đạo Công an TP Đà Lạt, sau phản ánh của người dân về vấn đề đón trả khách trong nội ô, qua làm việc, các đơn vị vận tải này đã trả mặt bằng. Tuy nhiên họ lại không vào bến xe của tỉnh ngoài khu vực đầu đèo Prenn mà thành lập văn phòng đại diện và bến cóc ở khu vực khác.
Theo Phòng Quản lý vận tải, Sở Giao thông vận tải Lâm Đồng, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 500 phương tiện của 29 doanh nghiệp vận tải hành khách gồm xe tuyến cố định, hợp đồng, hàng hóa thông thường, và hàng hóa bằng Côngtainơ được cấp phù hiệu hoạt động chạy liên tỉnh và nội tỉnh.
Tuy nhiên qua thống kê của bến xe liên tỉnh Đà Lạt, số lượng doanh nghiệp vào bến và lấy nốt tài quá ít so với đầu phương tiện hiện có của các doanh nghiệp vận tải hành khách này.
Theo ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng, việc tăng cường kiểm tra, xử lý vấn nạn “xe dù, bến cóc” cũng đã được triển khai quyết liệt và đã xử phạt hàng chục trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, quá trình kiểm tra, xử lý gặp không ít khó khăn.
Thực tế cũng cho thấy tâm lý ngại chờ đợi, muốn được đưa đón tận nơi, tận nhà của người dân… nên việc các đơn vị vận tải, văn phòng, chi nhánh sử dụng xe hợp đồng, du lịch từ 9-11 chỗ để vận chuyển khách đang “lách luật” trá hình hoạt động vận tải khách tuyến cố định, lập “bến cóc” đón trả khách ngay tại văn phòng, chi nhánh ở các tuyến đường nội thị, gây ùn tắc giao thông; tạo cạnh tranh không lành mạnh với hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định.
Vấn nạn xe dù, bến cóc, xe khách trá hình đã tồn tại rất nhiều năm trên địa bàn TP Đà Lạt và ở các địa phương trong tỉnh. Mặc dù các lực lượng thanh tra giao thông, chính quyền địa phương ra quân truy quét, xử lý vi phạm nhưng vấn nạn xe dù, bến cóc vẫn chưa được xử lý triệt để. Nhiều khi xử lý được chỗ này lại phát sinh thêm chỗ khác.
Cần nhìn nhận một cách thẳng thắn rằng sự tồn tại và lan tràn ngày càng mạnh mẽ của xe dù, bến “cóc”, xe khách trá hình có phần trách nhiệm do buông lỏng quản lý của các địa phương. Mượn danh trụ sở quản lý, tiếp nhận thông tin, nhiều doanh nghiệp vận tải kinh doanh xe hợp đồng đã biến văn phòng đại diện, chi nhánh của mình thành nơi tập kết hàng hóa, đón khách, bán vé, nhận đặt chỗ… từ đó đưa đón khách hằng ngày như xe khách liên tỉnh.
Những hoạt động đón khách, nhận hàng tại các văn phòng nhà xe diễn ra công khai, gây ồn ào, bức xúc trong Nhân dân chắc chắn không thể giấu giếm được lâu dài. Vậy phải chăng có sự lơ là, thiếu trách nhiệm…?.
Nếu phát huy được vai trò và sức mạnh của chính quyền địa phương trong quản lý văn phòng, chi nhánh nhà xe, sẽ mang lại hiệu quả tức thì. Có những quy định, chế tài đã rất rõ, đủ để xử lý vi phạm của các văn phòng xe.
Ví dụ như hiện tượng chất hàng hóa tràn ngập vỉa hè, lập bến cóc tại các ô đất trống, đường nội bộ khu đô thị để đón khách…đều đủ căn cứ pháp lý để xử phạt. Nếu kiên quyết, làm gay gắt sẽ hạn chế được phần lớn xe khách trá hình, xe dù, bến “cóc” tránh những hệ lụy cho người dân và các các DN làm ăn chân chính, tránh thất thoát nguồn thu thuế đối với lĩnh vực vận tải hành khách.
Hoàng Phúc - Văn Danh - Bùi Trung