Lamdongtv.vn - Tại Hà Nội, Ông Đỗ Xuân Tuyên – Thứ trưởng Bộ y tế chủ trì nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác bảo đảm an toàn và phòng chống ngộ độc thực phẩm (NĐTP).
Tham gia hội nghị có đại diện các bộ, ngành, địa phương; đầu cầu tỉnh Lâm Đồng có ông Võ Ngọc Hiệp – UVBTVTU – PCT UBND tỉnh cùng đại diện một số sở, ngành.
Theo báo cáo của Bộ y tế, giai đoạn 2019 đến năm 2023, trung bình mỗi năm cả nước xảy ra khoảng 100 vụ NĐTP. Với gần 2.200 người, trong đó có 23 người chết. Riêng 5 tháng đầu năm nay có 36 ca với hơn 2.100 người mắc, tăng hơn 1000 người so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có 6 người chết.
Gần đây, số lượng vụ NĐTP có nhiều người mắc đang có chiều hướng gia tăng, điển hình vụ NĐTP tại Nha Trang có 369 người mắc, vụ tại Đồng Nai có 547 người mắc do thực phẩm nhiễm vi sinh vật.
Tại Lâm Đồng, trong năm 2023 có 4 vụ ngộ độc thực phẩm với 212 người mắc, không có trường hợp tử vong. Ngành chức năng đã thanh tra, kiểm tra gần 12 ngàn cơ sở kinh doanh thực phẩm, phát hiện gần 1.200 cơ sở vi phạm, xử phạt gần 1,6 tỷ đồng.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng không ghi nhận ca ngộ độc thực phẩm. Ngành Y tế tỉnh đã thành lập 220 đoàn kiểm tra, hậu kiểm về ATTP; kiểm tra, hậu kiểm gần 8 ngàn cơ sở, phát hiện 653 cơ sở vi phạm, xử phạt hơn 285 triệu đồng.Hoạt động giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm nhằm cảnh báo nguy cơ về ATTP được các sở, ngành thực hiện thường xuyên, lấy mẫu kiểm nghiệm, giám sát theo quy định.
Ngay sau khi các vụ NĐTP xảy ra, bộ y tế đã vào cuộc, chỉ đạo các cơ sở y tế tích cực điều trị cho các bệnh nhân, hỗ trợ hội chẩn chuyên môn với tuyến trên.Đình chỉ ngay cơ sở gây ngộ độc, tổ chức điều tra, lấy mẫu, xác định rõ nguyên nhân.Truy xuất đến tận cùng nguồn gốc các thực phẩm.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các cơ sở dịch vụ ăn uống đảm bảo vệ sinh, điều kiện ATTP. Tuyên truyền, giáo dục cho người dân kiến thức ATTP và biện pháp phòng chống NĐTP.
Nguyên nhân NĐTP là do việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm của một bộ phận chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa đầy đủ, thường xuyên; Một số cơ sở kinh doanh nông sản nhưng nhập nguyên liệu nông sản trôi nổi, không kiểm soát được chất lượng để cung cấp cho các đơn vị, người dân.
Hội nghị cũng đã phân tích và đề xuất các giải pháp xử lý vấn đề NĐTP như: Người đứng đầu các cấp phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn;
Triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ các nguyên liệu trước khi chế biến; Nâng cao năng lực hiệu quả, hiệu lực quản lý đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh; kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc nguyên liệu nông sản.
Bên cạnh đó, kiên quyết không để các cơ sở không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP hoạt động. Tổ chức thực hiện chương trình giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn sự cố an toàn thực phẩm và công tác phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm;Phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, đoàn thể trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm tại các cơ quan, công ty, trường học, đơn vị.
Mai An