Tin tức

Đại biểu Quốc hội Lâm Đồng thảo luận về dự án Luật Tòa án nhân dân (sửa đổi)

Thứ tư, 29/05/2024 - 06:50

​Lamdongtv.vn - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này.



 
 
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đã tham gia góp ý vào nội dung này. Tại Kỳ họp thứ 6, Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đánh giá cao sự cần thiết phải sửa đổi Luật; có thể thấy, đây là dự án Luật lớn, có nhiều chính sách, quy định mới về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân, có nhiều nội dung đổi mới mang tính đột phá, nhiều nội dung đã tiệm cận với trình độ quốc tế; và tháo gỡ được một số vướng mắc, bất cập của thực tiễn, phù hợp với quy định của Hiến pháp và thể chế hóa quan điểm, chủ trương,
Nghị quyết của Đảng, nhất là về cải cách tư pháp và Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.



 Đại biểu Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đã tham gia thảo luận các nội dung này như sau :

“ Thứ nhất, Về quy định Tòa án thực hiện quyền tư pháp tại Điều 3 Dự thảo Luật. Tôi cho rằng việc quy định phạm vi, nội dung của thực hiện quyền tư pháp tại khoản 1, 2 Điều 3 dự thảo Luật là cần thiết để cụ thể hóa khoản 1 Điều 102 Hiến pháp 2013 (quy định Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực thiện quyền tư pháp) và thể chế hóa Nghị quyết số 27-NQ/TW (Xác định thẩm quyền của Tòa án để thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp).

Thứ hai, về tổ chức và thẩm quyền thành lập, giải thể các Tòa án nhân dân (Điều 4 dự thảo Luật): Tôi thấy rằng quy định của dự thảo Luật chưa thống nhất, Phương án 2 được Ban soạn thảo đưa ra là tổ chức của Tòa án nhân dân có Tòa án nhân dân phúc thẩm, Tòa án nhân dân sơ thẩm, nhưng tại Điều 23, Điều 24 lại quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm vừa phải xét xử phúc thẩm, vừa phải thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án cấp sơ thẩm. Như vậy, việc đổi tên theo phương án 2 chỉ dừng lại ở tên gọi, còn nội hàm thì không khác với tên gọi của Luật hiện hành.

Vì vậy, tôi chọn phương án 1, giữ nguyên như luật hiện hành và cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi các Bộ luật và luật về tố tụng theo hướng tăng thẩm quyền cho Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, khi có đủ điểu kiện thì mới sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân cho phù hợp với phương án 2.

 



Ngoài ra, một số vấn đề được nhiều đại biểu đồng tình và cho ý kiến tại hội trường là về quy định mở rộng nguồn, đẩy mạnh thực hiện cơ chế thi tuyển để bổ nhiệm các chức danh tư pháp; bổ sung luật sư, giảng viên đại học là “nguồn” để tuyển chọn, bổ nhiệm làm Thẩm phán TAND Tối cao, ghi âm, ghi hình tại phiên tòa đối với đội ngũ báo chí…..

Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và các cơ quan đã thống nhất nguyên tắc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quán triệt các quan điểm chỉ đạo trong các nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị; chỉnh lý, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ, triệt để cho chính quyền thành phố Hà Nội, bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật./.
 
Hữu Phúc

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa Quảng cáo trang chủ, cột giữa OK TT