Tin tức

Thảo luận Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp

Thứ bảy, 01/06/2024 - 08:17

​“Lamdongtv,vn - Thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết thành lập Quỹ Công nghiệp quốc phòng, an ninh

nhằm huy động nguồn lực, có cơ chế linh hoạt, chủ động cho xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, nhất là thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, chiến lược, rủi ro cao, đồng thời quy định để bảo đảm chặt chẽ, khả thi. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đã tham gia góp ý vào nội dung này.

 

Phát biểu tại phiên họp, đa số các đại biểu nhất trí bố cục với nhiều nội dung của dự thảo luật và báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời khẳng định công nghiệp quốc phòng đóng một vai trò hết sức quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ Tổ quốc.

Nhiều ý kiến đồng tình với sự cần thiết thành lập Quỹ, có đủ cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn; đặc biệt, mới đây, tại Kết luận số 75 của Bộ Chính trị ngày 24/4/2024 đã chỉ đạo cần nghiên cứu thành lập Quỹ phục vụ nhiệm vụ phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh (CNQP, AN). Qua đó, nhằm tập trung huy động nguồn lực, có cơ chế linh hoạt, chủ động cho xây dựng, phát triển CNQP, AN nhất là thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, chiến lược, rủi ro cao, đồng thời quy định để bảo đảm chặt chẽ, khả thi.
 
 
 
Đại biểu Nguyễn Tạo -Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đã tham gia thảo luận các nội dung này:


Thứ nhất, tại khoản 2, Điều 41, quy định nhóm chức năng, nhiệm vụ của Tổ hợp CNQP, trong đó mới chỉ quy định việc chuyển giao công nghệ, đây là nội dung mới và rất thiết thực để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tuy nhiên quy định như vậy  là chưa đầy đủ, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung nội dung “nhận chuyển giao công nghệ hiện đại, tiên tiến từ nước ngoài” để đảm bảo tính bao quát trong hoạt động chuyển giao và nhận chuyển giao.

Thứ hai, tại điểm c, khoản 2, Điều 42, quy định về trích lại một phần từ Quỹ đầu tư, phát triển của doanh nghiệp để phục vụ hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Để đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện thì đối các Quỹ dự kiến được thành lập, đề nghị Ban soạn thảo rà soát và quy định cụ thể, tránh sự trùng lặp với nhiệm vụ chi của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp hạt nhân Tổ hợp CNQP.

Thứ ba, đề nghị Ban soạn thảo rà soát bổ sung cơ chế quản lý đặc thù phù hợp để tạo hiệu quả trong hoạt động liên kết, hợp tác của Tổ hợp CNQP và giao Chính phủ quy định chi tiết trong quá trình triển khai thực hiện.
 
 
Đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cũng khẳng định, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn, toàn diện như hiện nay thì xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng hiện đại là một yếu tố tất yếu, khách quan, phù hợp với xu hướng phát triển công nghiệp quốc phòng trên khu vực và thế giới, góp phần hội nhập sâu, đầy đủ vào nền kinh tế của toàn cầu. Tiếp thu tối đa ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về Quỹ Công nghiệp quốc phòng, an ninh,

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết, đây là một nội dung được các đại biểu quan tâm và khẳng định, việc thành lập Quỹ Công nghiệp quốc phòng và an ninh là rất cần thiết nhằm hỗ trợ triển khai thực hiện các nhiệm vụ cấp bách hoặc nghiên cứu phát triển sản phẩm quốc phòng, an ninh mà các sản phẩm này có tính mới, rủi ro rất cao.

 Hữu Phúc

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa Quảng cáo trang chủ, cột giữa OK TT