Tin tức

Lâm Đồng tăng cường công tác phòng, chống thiên tai

Thứ tư, 12/06/2024 - 07:22

Lamdongtv.vn - Ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ tỉnh chủ trì hội nghị trực tuyến toàn tỉnh đánh giá công tác phòng chống thiên tai từ năm 2023 đến nay, đồng thời triển khai nhiệm vụ những tháng còn lại của năm 2024.

Tham dự tại điểm cầu tỉnh có các thành viên Ban chỉ đạo cùng 12 điểm cầu, các huyện thành phố trên địa bàn tỉnh.
 




Thống kê, năm 2023, toàn tỉnh Lâm Đồng xảy ra 13 trận mưa lớn, 1 trận mưa đá, 6 trận lốc xoáy, 7 vụ sạt lở đất nghiêm trọng. Các vụ thiên tai đã khiến 9 người thiệt mạng, 4 người bị thương, gây thiệt hại gần 240 căn nhà, 336 ha cây trồng. Ngoài ra, thiên tai, mưa bão còn khiến nhiều gia súc, gia cầm bị nước cuốn trôi, một số tuyến cầu dân sinh, điểm trường học, cột điện bị hư hỏng, đặc biệt do mưa lớn làm ngập úng cục bộ và sạt lở tại một số nơi, uớc tính tổng thiệt hại trên 70 tỷ đồng.
 Riêng trong các thá ng đầu năm 2024, một số địa phương như huyện Lâm Hà, Cát Tiên xảy ra lốc xoáy, khiến gần 30 căn nhà tốc mái, đồng thời gây sạt lở một số tuyến đường giao thông dân sinh.

 

Ngoài ra tại một số địa phương xảy ra khô hạn, thiếu nước tưới đã ảnh hưởng đến khoảng 12.000 ha cây trồng.  Cũng theo Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn tỉnh, cùng với các nhiệm vụ, giải pháp của từng ngành, đơn vị, địa phương trong việc chủ động phòng chống thiên tại, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức các hội thảo đánh giá thực trạng, nguyên nhân và đề xuất các giải pháp phòng chống sạt trượt, ngập lụt cục bộ trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, dù trong điều kiện ngân sách còn nhiều khó khăn, song hệ thống công trình phòng chống thiên tai, nhất là công trình hồ đập, thủy lợi, kè chống sạt lở bờ sông đã được quan tâm đầu tư bằng nhiều nguồn vốn nên đã nâng cao năng lực ứng phó trong phòng chống thiên tại. Cơ sở hạ tầng cho công tác dự báo, cảnh báo sớm thiên tai được đầu tư, công tác chỉ đạo, chỉ huy tham mưu ứng phó, khắc phục hậu quả được quan tâm, đã có giải pháp nhanh chóng, kịp thời, chính xác, hiệu quả nên giảm thiệt hại về người và tài sản.

Báo cáo tại hội nghị cũng chỉ ra những khó khăn hạn chế như tình hình thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, một bộ phận người dân còn lơ là, chủ quan, nguồn lực, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn còn thiếu, chưa đồng bộ, dẫn đến việc ứng trực, xử lý các tình huống, sự cố do thiên tai chưa thực sự hiệu quả.

Tại hội nghị, các thành viên Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ tỉnh, các địa phương đã thông tin đến hội nghị một số thực trạng, tình hình kết quả triển khai công tác phòng chống thiên tai của các ngành, đơn vị, địa phương, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống thiên tai thời gian tới, tập trung đến vấn đề rà soát đầu tư hệ thống chống sạt trượt đất, kè chống sạt lở, các điểm xung yếu trên các tuyến đường giao thông, ven sông, phương án di dời nhà cửa, tài sản của người dân tại khu vực ngập úng cục bộ, vấn đề cấp phép các công trình dự án xây dựng, các phương án đầu tư xây dựng các công trình, hạng mục, dự án, sử dụng nguồn kinh phí phải đảm bảo đồng bộ, chặt chẽ, sử dụng hiệu quả.

Ngoài ra, các giải pháp chặt tỉa cây xanh, giải pháp bảo đảm an toàn cho du khách, nhất là tại các điểm, khu du lịch, các tua du lịch mạo hiểm cũng được các địa phương chia sẻ tại hội nghị. Phát biểu kết luận, Ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ thời gian qua luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm, bằng nhiều biện pháp, giải pháp, song trên thực tế do tình hình thiên tai vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều vụ thiên tai, bão lũ xảy ra, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của Nhân dân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Phúc cho rằng, thời gian tới, tình hình thời tiết, thiên tai được dự báo tiếp tục diễn biến khó lường, vì vậy công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ cần phải được quan tâm, nhất là phải huy động được nhân lực, vật lực, máy móc, việc phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng tham gia ứng phó, xử lý sự cố.



 
Nhấn mạnh đến một số giải pháp thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Phúc, đề nghị các Ngành, đơn vị, địa phương liên quan cần kịp thời rà soát, kiểm tra các điểm sạt trượt, các khu, điểm du lịch, tua du lịch mạo hiểm có nguy cơ sạt trượt cao, không bảo đảm an toàn để có phương án xử lý.
 
Bên cạnh đó, có phương án cụ thể với các tình huống thiên tai, bão lũ, hạn hán xảy ra, kịp thời đề xuất lắp đặt hệ thống cảnh báo mưa bão, thông tin kịp thời về tình hình mưa lũ, hạn hán để chủ động truyên truyền hướng dẫn người dân, bố trí lực lượng, túc trực 24/24 và các phương án nhằm ứng phó kịp thời với các sự cố thiên tai với phương “châm 4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”.

Cùng với công tác phòng chống thiên tai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Phúc lưu ý, hiện nay vấn đề đuối nước ở trẻ cũng đang diễn biến phức tạp, nhiều vụ đuối nước thương tâm xảy ra, nhất là thời điểm học sinh nghỉ hè, do đó Ngành chức năng cùng các địa phương cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, có giải pháp kịp thời, hiệu quả để ngăn ngừa tình trạng đuối nước trên địa bàn./.
 
Hoàng Ái

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

TT OK Quảng cáo trang nội dung, cột giữa