Lamdongtv.vn - Sở Văn hóa thể thao du lịch đã long trọng tổ chức gặp mặt cựu tù yêu nước. Tham dự có ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, đại diện các ban, ngành của tỉnh và khoảng 300 cựu tù yêu nước từng bị giam cầm tại Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt từ 1971 - 1973.
Tại buổi gặp mặt, ban liên lạc cựu tù yêu nước nhà lao thiếu nhi đà lạt đã ôn lại quá khứ đau thương mà hào hùng của những năm tháng đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc. Những năm 1968–1970, phong trào đấu tranh cách mạng nổ ra mạnh mẽ trên khắp miền Nam làm cho chính quyền Sài Gòn lúng túng.
Để đối phó, ly gián lực lượng tù nhân chính trị trong các nhà tù, địch tiến hành tách số tù nhân dưới 18 tuổi ra khỏi tù nhân lớn tuổi, hòng chia rẽ sự tiếp ứng, hỗ trợ cho nhau, dễ phân hóa, cải tạo các tù nhân nhỏ tuổi; đồng thời, tránh sự lên án của dư luận quốc tế.
Vì vậy chính quyền tay sai đã lập ra Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt dưới tên gọi “Trung tâm Giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt”. Thực chất nơi đây là một nhà tù, giai đoạn cao điểm đã có 630 thiếu niên; trong đó, có khoảng 200 tù nhân nữ bị giam giữ tại đây. Mặc dù bị tra tấn, đàn áp, và lôi kéo, tuy nhiên các chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi đã thành lập bộ phận chỉ huy, tổ chức đấu tranh với nhiều yêu sách như: đòi quyền tự nguyện họcnghề, không bị bắt buộc; đòi quyền tự nguyện nghe giảng chính trị, tôn giáo, không được cưỡng ép; đòi được tự do khi mãn hạn tù. Nhiều phong trào nổ ra như: Mổ bụng, diệt ác, nổi dậy làm chủ nhà lao, vượt ngục.
Những đòn thù tra tấn man rợ cũng không khuất phục được tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ nhỏ tuổi. Tháng 6/1973, nhà tù bị xóa sổ sau 2 năm 3 tháng tồn tại. Tháng 6/2009, Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Tháng 11/2009, tập thể tù chính trị Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt và 4 cá nhân cựu tù được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Phát biểu tại lễ gặp mặt, ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt là bằng chứng lịch sử ghi dấu lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường của tuổi trẻ yêu nước. Là minh chứng sinh động, trực quan về những đóng góp to lớn của các chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc”.
Buổi gặp mặt là dịp để các cựu tù ở khắp mọi miền đất nước về lại chiến trường xưa, gặp gỡ đồng đội, ôn lại kỷ niệm một thời tuổi trẻ kiên trung bất khuất với phẩm chất cách mạng kiên cường. các cựu tù nhà lao thiếu nhi đã biến nơi tù khổ sai thành trường học cách mạng, nơi giáo dục lẫn nhau về tinh thần yêu nước, tinh thần cách mạng, hun đúc tinh thần quyết tâm đấu tranh giải phóng đất nước.
Thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị để Di tích quốc gia Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt là địa chỉ đỏ về nguồn của thế hệ trẻ, để ngọn lửa tuổi trẻ bất khuất mà các cựu tù yêu nước đã thắp lên ở nơi này luôn cháy mãi và tiếp tục trao truyền cho thế hệ tiếp theo về tinh thần cách mạng, xây dựng và bảo vệ tổ quốc./.