Tin tức

Lâm Đồng: Phát triển vùng nguyên liệu tập trung gắn với chế biến nông sản

Thứ hai, 24/06/2024 - 07:48

Lamdongtv.vn -- căn cứ vào điều kiện canh tác và thế mạnh từng địa phương, Lâm Đồng đã xây dựng các tiểu vùng nguyên liệu tập trung gắn với chế biến. Trên cơ sở đó, các địa phương trong tỉnh đã phát triển vùng cây trồng phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và đầu ra sản phẩm.

Sản xuất nông sản gắn với chế biến với tiêu thụ là giải pháp bền vững để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Theo đó, căn cứ vào điều kiện canh tác và thế mạnh từng địa phương, Lâm Đồng đã xây dựng các tiểu vùng nguyên liệu tập trung gắn với chế biến. Trên cơ sở đó, các địa phương trong tỉnh đã phát triển vùng cây trồng phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và đầu ra sản phẩm.

 
 Đây là  những hạt cà phê được tuyển lựa kỹ lưỡng từ các vùng nguyên liệu sản xuất của huyện Đức Trọng, huyện Di Linh.


Để có được những hạt cà phê nguyên liệu đạt tiêu chuẩn rang xay để cho ra đời những sản phẩm cà phê chất lượng, nhất là phục vụ thị trường xuất khẩu thì ngay từ khâu canh tác, người nông dân đã phải tuân thủ nghiêm túc những kỹ thuật chăm sóc. Bên cạnh đó, quá trình sơ chế, chế biến, hạt cà phê được lựa chọn kỹ lưỡng và được chế biến theo những công nghệ hiện đại.



  
Cùng với Cà phê thì Mác ca cũng là sản phẩm thế mạnh của Lâm Đồng. Hiện Lâm Đồng đang đứng đầu khu vực Tây Nguyên cũng như cả nước về diện tích trồng và sản lượng sản xuất sản phẩm mắc ca với 8.600 ha, sản lượng khoảng 7 ngàn tấn mỗi năm, cũng là địa phương duy nhất trồng mắc ca cho thu hoạch 2 vụ/1 năm với năng suất, chất lượng cao.




Vì vậy, Lâm Đồng đang triển khai xây dựng mô hình quản lý và hệ thống các công cụ quản lý và kiểm soát chất lượng sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Mắc ca Lâm Đồng”; Xây dựng hệ thống các công cụ quảng bá, phát triển thương hiệu cho sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận này và triển khai thí điểm 3 mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ mắc ca theo chuỗi giá trị và truy xuất nguồn gốc.




Qua đó, xây dựng một thương hiệu mạnh cho sản phẩm mắc ca, quản lý tốt hơn về chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm được chế biến từ mắc ca như dầu ăn, dược, mỹ phẩm, bánh, kẹo v.v...
 
Trên cơ sở phân tích thế mạnh của từng vùng canh tác các cây trồng chủ lực mang tính ổn định, đến năm 2030, toàn tỉnh Lâm Đồng xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm với 3 tiểu vùng chính.
Tiểu vùng I, phát triển rau, hoa, cà phê chè, chanh dây, dâu tây, hồng ăn trái, Atiso, dược liệu công nghệ cao gắn với du lịch canh nông tại TP Đà Lạt, các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương và một phần huyện Lâm Hà.

Tiểu vùng II gồm cà phê, dâu tằm, sầu riêng, bơ, chuối Laba, chanh dây và cây dược liệu công nghệ cao thuộc địa bàn các huyện Di Linh, Lâm Hà, Đam Rông. Và tiểu vùng III thuộc TP Bảo Lộc, các huyện Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên phát triển cây sầu riêng, măng cụt, mít, dâu tằm, điều, lúa chất lượng cao, cà phê, chè theo quy trình hữu cơ, tuần hoàn để nâng cao giá trị sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu...

Việc quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ là giải phát phát triển một nền nông nghiệp bền vững, góp phần khẳng định thương hiệu nông sản Lâm Đồng trên trường quốc tế.

 
Mai An

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

TT OK Quảng cáo trang nội dung, cột giữa