Bán hàng bằng phương thức truyền hình trực tuyến trên các nền tảng Internet, hay còn gọi là livestream đang ngày càng phổ biến với doanh số mỗi phiên được báo cáo có thể lên đến hàng chục tỷ đồng. theo quy định tại Thông tư 40/2021 của Bộ Tài chính thì hoạt động này sẽ phải nộp và kê khai thuế theo quy định.
Trong bối cảnh hoạt động livestream bán hàng bùng nổ thì việc kiểm tra toàn diện của các cơ quan chức năng để tránh thất thu thuế, nâng cao trách nhiệm của người nộp thuế là vô cùng quan trọng.
Tại một phiên livestream bán đồ quần áo của một cửa hàng thời trang tại thành phố Thái Nguyên. Trong một vài năm trở lại đây, khi hoạt động bán hàng truyền thống chậm hơn thì những cửa hàng như thế này đã tìm thấy một cách thức mới để tiếp cận khách hàng, đó là livestream bán hàng trên các nền tảng số.Sự chuyển hướng này giúp doanh thu bán hàng đã tăng tới 20%, và đi kèm với đó là nghĩa vụ kê khai và nộp thuế theo quy định.
Đó là với các cửa hàng lớn, truyền thống, hoạt động livestream bán hàng thời gian qua còn phổ biến với loại hình cá nhân làm tiếp thị liên kết (affiliate marketing). Theo đó các cá nhân này sẽ thu hút các khách hàng qua hoạt động livestream để mua hàng của nhà cung cấp và nhận hoa hồng.
Hiện nay, ngành thuế đang quản lý gần 124.000 người nộp thuế kinh doanh thương mại điện tử. Tuy nhiên, vẫn đang có nhiều điểm cần cải thiện trong quản lý thu thuế đối với những cá nhân kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử, trong đó có cá nhân livestream bán hàng.
Theo Bộ Tài chính, hiện Việt Nam tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất Đông Nam Á với doanh thu 20,5 tỷ USD và sẽ đạt 30,5 tỷ USD vào năm sau. Để chống thất thu thuế và tạo môi trường kinh doanh công bằng trên thị trường số, việc thanh tra, kiểm tra, có chế tài nghiêm khắc đối với hoạt động thương mại điện tử cần được tiếp tục thực hiện quyết liệt trong thời gian tới./
PHÒNG THỜI SỰ