Lamdongtv.vn - Trong những năm qua, hàng chục ngàn hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo và từng bước vươn lên trong cuộc sống.
Qua đó đã góp phần tích cực trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội ở các địa phương.
Canh tác hơn 5 sào cà phê, do thiếu nguồn lực lao động nên hàng năm, sau khi trừ đi các khoản chi phí, gia đình chị Lục Thị Hợp, thôn 5 xã BLá, huyện Bảo Lâm vẫn không dư dã là bao nhiêu. Sau khi tính toán và được
Hội phụ nữ lựa chọn, định hướng chuyển đổi mô hình cộng với nguồn vốn 50 triệu, hỗ trợ từ ngân hàng chính sách xã hội huyện, Chị Hợp đã mạnh dạn đầu tư trồng dâu nuôi tằm. Từ việc mạnh dạn chuyển đổi mô hình, kinh tế gia đình chị đã có những thay đổi rõ nét và không còn nằm trong danh sách hộ nghèo.
Với chị Lục Thị Tiên, sau khi từ Cao Bằng vào Bảo Lâm lập nghiệp, gia đình chị đã trồng cà phê và cây chè. Sau bao năm, do điều kiện thổ nhưỡng, năng suất thấp nên Chị Tiên mạnh dạn chuyển đổi mô hình. Chị Tiên cũng đã được ngân hàng chính sách huyện xét duyệt nguồn vốn để mua nong né, xây dựng nhà nuôi tằm. Giờ đây cuộc sống của gia đình chị cũng đã có nguồn thu nhập ổn định.
Theo số liệu thống kê, đến 31/5/2024, dư nợ thực hiện tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bảo Lâm là 657 tỷ đồng, với 13.840 khách hàng. Trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, trên địa bàn huyện Bảo Lâm đã có 34.582 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn với tổng số tiền hơn 1.200 tỷ đồng, bình quân mỗi năm cho vay được 3.458 lượt hộ với số tiền cho vay bình quân mỗi năm là 121 tỷ đồng.
Qua đó, tạo điều kiện cho 8.348 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo, 2.122 lượt học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, 2.326 lao động được tạo việc làm từ chương trình cho vay tạo việc làm duy trì và mở rộng việc làm, lao động được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, trong đó có 216 lao động là đối tượng bộ đội xuất ngũ trở về địa phương được vay vốn tạo việc làm, ổn định đời sống; đầu tư xây dựng 2.958 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay 744 hộ là người ĐB DTTS để sản xuất, cải thiện sinh kế, cho vay 28 đối tượng là người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng…đã góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới nâng cao, đảm bảo an sinh xã hội.
Để nguồn vốn đến tay hộ nghèo và các đối tượng chính sách có hiệu quả; hàng năm, Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bảo Lâm đã tham mưu triển khai thực hiện tốt việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách từ các nguồn vốn trung ương, vốn ngân sách được giao và nguồn vốn thu hồi hàng năm gắn với việc “lồng ghép triển khai các mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững của địa phương”.
Có vốn vay ưu đãi, hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Bảo Lâm đã đầu tư sản xuất, kinh doanh hiệu quả, vươn lên thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã góp phần tích cực vào việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, góp phần đáng kể trong việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 trên địa bàn huyện Bảo Lâm xuống ở mức thấp nhất, đóng góp vai trò quan trọng trong việc ổn định và phát triển kinh tế tại địa phương./.
Hoàng Phúc