Lamdongtv.vn - Chủ trương của Đảng, Nhà nước về giao rừng nhằm đem lại nguồn lợi sinh kế từ rừng. Ở Lâm Đồng công tác này thời gian qua đã đem lại kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình trạng doanh nghiệp sau khi được nhận rừng lại buông lỏng quản lý đã để rừng bị phá, đất rừng bị lấn chiếm. Cơ quan chức năng và chính quyền cần vào cuộc xử lý nghiêm các vị phạm này.
Những hình ảnh nhìn từ trên cao Dự án giao rừng của Công ty TNHH Minh Tú, tại Tiểu khu 445, lâm phần xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm.
Sau 16 năm triển khai dự án bảo vệ rừng, trồng chè chất lượng cao, trồng cỏ và chăn nuôi bò thịt, kết quả mà dự án này mang lại là để mất hơn 88ha rừng, trong tổng số diện tích được giao hơn 254ha.
Không riêng Doanh nghiệp Minh Tú, tại doanh nghiệp giao rừng Hà Phong trên lâm phần xã Lộc Ngãi, do yếu về năng lực quản lý, thời gian qua dự án này cũng để xảy ra nhiều vụ phá rừng phức tạp. Cụ thể, trong tháng 5.2024 có 52 cây thông ba lá bị khoan lỗ, đổ hóa chất đầu độc làm thông chết.
]
Địa bàn huyện Bảo Lâm có 47 doanh nghiệp được giao rừng thực hiện các dự án đầu tư về nông, lâm kết hợp với diện tích trên 13 nghìn ha. Theo Hạt kiểm lâm huyện, không chỉ thiếu trách nhiệm về quản lý; triển khai phương án đầu tư sai quy định, quá trình giải quyết các tồn tại về vi phạm Luật Lâm nghiệp ngành chức năng cũng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác kiểm kê rừng, bồi thường tài nguyên rừng với các dự án này.
Các vi phạm của doanh nghiệp không chỉ đi ngược với chủ trương giao rừng của Nhà nước mà còn tác động đến tài nguyên, suy thoái rừng. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng, UBND huyện Bảo Lâm đã ban hành văn bản đề nghị các cấp, ngành tăng cường công tác quản lý; trong đó giao Công an huyện lập các chuyên án điều tra, đấu tranh các vụ vi phạm về phá rừng để xử lý nghiêm theo quy định./.