Liên tiếp các vụ cháy làm chết người xảy ra gần đây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy. Theo đó, nhà dạng ống không có lối thoát hiểm từ lâu là loại hình nhà riêng lẻ phổ biến không chỉ ở Hà Nội mà còn ở nhiều đô thị lớn trong cả nước.
Điều đáng nói nhiều tòa nhà với biển quảng cáo lớn, che lấp toàn bộ mặt tiền, đã tạo nên những ngôi nhà “không lối thoát” mỗi khi xảy ra cháy nổ.
Đủ các kích cỡ, chất liệu, kiểu loại khác nhau, … Song đa số đều che kín toàn bộ ban công tòa nhà… Những các tấm biển quảng cáo như thế này thu hút sự quan tâm của người đi đường, mặc cho những nguy cơ mất an toàn về phòng chống cháy nổ.
Cháy nổ từ các biển quảng cáo không còn là nguy cơ tiềm ẩn mà đã trở thành hiện hữu. Năm 2016, vụ cháy tại quán karaoke ở phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội khiến 13 người thiệt mạng được xác định do thợ hàn thiếu cẩn trọng khi hàn biển quảng cáo. Tháng 3/2024, phần biển quảng cáo tại tòa nhà 9 tầng ngay ngã 6 Ô Chợ Dừa bốc cháy dữ dội; tia lửa từ biển quảng cáo bắn xuống làm cháy lan sang khu nhà bên cạnh.
Theo các chuyên gia, các giàn giáo chống đỡ và biển quảng cáo vây kín bốn bề, khi cháy nổ xảy ra không những không có lối thoát từ ban công, cầu thang phụ mà còn nguy cơ trở thành “lò nung” các tầng lầu, độ nguy hiểm càng tăng cao hơn.
Chưa kể, đây là những chất liệu rất dễ dẫn lửa nếu như có nguồn gây cháy hoặc sự cố chập điện.
Mặc dù đã có tiêu chuẩn riêng dành cho biển quảng cáo, song theo các chuyên gia, vẫn còn rất nhiều cơ sở kinh doanh vẫn bất chấp làm tấm biển che kín mặt tiền, ban công, lối thoát hiểm của tòa nhà. Khi sự cố xảy ra, ngay cả lực lượng chức năng cũng
rất khó tiếp cận
Mới đây, quy chế hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn Hà Nội đã chính thức được sửa đổi sau 8 năm, trong đó biển quảng cáo sử dụng ánh sáng điện phải đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng cần có những quy định cụ thể, rõ ràng hơn để biển quảng cáo phát huy được tối đa công năng, mà không đe dọa tới an toàn của người dân.
|
Điều 34 Luật Quảng cáo 2012 quy định
- Đối với biển hiệu ngang thì chiều cao tối đa là 02 mét (m), chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà;
- Đối với biển hiệu dọc thì chiều ngang tối đa là 01 mét (m), chiều cao tối đa là 04 mét (m) nhưng không vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu.
- Đối với biển hiệu quảng cáo vượt quá quy định nêu trên phải được sự đồng ý của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại điều 31 của Luật Quảng cáo.
- Biển hiệu không được che chắn không gian thoát hiểm, cứu hỏa; không được lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng |
|
PHÒNG THỜI SỰ