Lamdongtv.vn - Kể từ đầu tháng 7 này, việc điều chỉnh tiền lương diễn ra ở cả khu vực Nhà nước và doanh nghiệp. Tuy nhiên đi cùng việc tăng lương là tâm lý lo ngại tăng giá các mặt hàng thiết yếu. Vì thế, rất cần có sự quản lý, kiểm soát từ cơ quan chức năng để việc tăng lương thực sự có ý nghĩa.
Từ tháng 7, lương cơ sở khu vực công cũng tăng thêm 30%, mức tăng cao nhất trong lịch sử. Ước tính có 2,78 triệu cán bộ, công chức, viên chức khu vực công được hưởng lợi. Song mong muốn của nhiều người lao động là các cơ quan chức năng cần có giải pháp ổn định thị trường và bình ổn hàng hóa sau khi điều chỉnh tiền lương.
Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng, lần này Chính phủ đã chuẩn bị rất kỹ các kịch bản để ứng phó với tình trạng tăng lương – tăng giá. Cùng với điều chỉnh tăng lương, Chính phủ đã thực hiện đồng bộ các chính sách tài khóa như giảm thuế giá trị gia tăng; miễn, giảm nhiều loại thuế phí… cũng như bám sát diễn biến thị trường để điều hành giá phù hợp, linh hoạt.
Thống kê, 6 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng bình quân 4,08%, thấp hơn mục tiêu kiểm soát lạm phát được Quốc hội giao Chính phủ năm 2024 dưới 4,5%.
Hy vọng, với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành, sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội, áp lực tăng giá khi tăng lương sẽ giảm nhiều, mang lại niềm vui cho người lao động.
PHÒNG THỜI SỰ