Tin tức

Giải pháp nào để kiểm soát lạm phát dưới 4,5%

Thứ tư, 17/07/2024 - 07:12

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6.2024 tăng 0,17% so với tháng trước. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, CPI tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tăng 2,75%.

Giá cả hàng hóa rục rịch tăng trong bối cảnh tăng lương cơ sở khiến nhiều ý kiến lo ngại về khả năng kiểm soát lạm phát trong cả năm

Qua hơn 10 ngày áp dụng chính sách lương mới, tuy chưa nhiều nhưng giá một số loại hàng hóa tiêu dùng đã nhúc nhích đi lên. Điều này khiến tâm lý e ngại giá cả tiếp tục tăng trong thời gian tới.


 

 

Theo các chuyên gia kinh tế, áp lực lạm phát trong năm 2024 có thể đến từ việc Nhà nước điều chỉnh lương cơ bản, tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục, giá điện theo lộ trình.

Theo các chuyên gia, để kiểm soát tốt lạm phát trong 6 tháng cuối năm, cần chủ động theo dõi sát diễn biến kinh tế, giá cả các hàng hóa chiến lược trên thị trường thế giới, để kịp thời cảnh báo tác động đến mặt bằng giá cả hàng hóa và dịch vụ trong nước.Đối với việc tăng giá các hàng hóa và dịch vụ do Nhà nước quản lý, không nên điều chỉnh nhiều loại giá cùng một thời điểm, không nên dồn vào cuối năm, là thời điểm nhu cầu tiêu dùng cao vì khi chỉ số giá tiêu dùng liên tục tăng cao sẽ tạo ra lạm phát kỳ vọng lớn và tạo áp lực điều hành lạm phát cho năm sau .

Ngoài ra, cần phải tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Hiện có nhiều yếu tố thuận lợi cho việc kiềm chế lạm phát trong thời gian tới. Cụ thể, lạm phát toàn cầu đang tiếp tục xu hướng hạ nhiệt, giúp Việt Nam giảm bớt áp lực từ kênh nhập khẩu lạm phát. Các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất 6 tháng cuối năm góp phần giảm chi phí sản xuất, giảm giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng.

Với kinh nghiệm điều hành giá, sự chỉ đạo quyết liệt, phản ứng kịp thời của Chính phủ sẽ giúp hạn chế tác động cộng hưởng của việc điều chỉnh giá lên lạm phát, ổn định tâm lý kỳ vọng lạm phát. Do đó, khả năng thực hiện đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát 4,5% cho năm nay là khả thi.
 
PHÒNG THỜI SỰ

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

TT OK Quảng cáo trang nội dung, cột giữa