(ĐCSVN) - Nhớ lại lời căn dặn tâm huyết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đồng chí đã vào cõi vĩnh hằng, mỗi cán bộ đảng viên hãy biến nhận thức thành hành động cách mạng thiết thực, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo, chức vụ càng cao trách nhiệm càng lớn, ảnh hưởng càng rộng thì việc giữ gìn danh dự, uy tín cho mình, cho Đảng càng có ý nghĩa quan trọng.
Danh dự hàm chứa giá trị đạo đức tốt đẹp thuộc về phẩm giá, lối sống của con người; hàm chứa văn hóa chính trị, văn hóa đạo đức và các quy tắc ứng xử cơ bản, tinh thần trách nhiệm công vụ, nhân cách, tư cách của người cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo.
Danh dự có tác dụng thúc đẩy con người làm điều thiện, điều tốt, ngăn ngừa điều ác, điều xấu. Người xưa “trọng danh dự như mạng sống”, thậm chí còn hơn cả mạng sống. Vật chất, lợi lộc sẽ là hư vô chỉ có danh dự mới là điều còn mãi và thường xuyên răn dạy: “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng”; “Thận trọng trước lợi danh/Giữ mình đừng buông thả/ Tránh xa phường trí trá.”; vv… Đối với người cộng sản, người cán bộ đảng viên, danh dự không chỉ là hội tụ các giá trị đạo đức cách mạng mà còn thể hiện nhân cách, uy tín - những điều căn cốt để thực hành lý tưởng cách mạng, để thu phục lòng dân, để dân tin, dân yêu, dân ủng hộ.
Ngày 19/7/2024, trái tim nhân hậu của một nhân cách lớn - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ngừng đập, nhưng đồng chí đã để lại một kho di sản giá trị tinh thần quý báu của một nhà lý luận - một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; một nhà lãnh đạo kiệt xuất, trung kiên của Đảng, hết lòng vì Đảng vì dân, kiên định con đường đổi mới vì một đất nước Việt Nam XHCN phồn vinh, hùng cường, nhân dân hạnh phúc.
Trong Bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (30/6/2022) đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ và nhấn mạnh: Cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý cần “khắc cốt”, “ghi tâm” những lời dạy của Bác Hồ: “Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực”. Đồng chí cũng thể hiện rõ nhân cách, tư cách của mình với câu nói bất hủ: Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho có ý nghĩa để không phải xót xa ân hận về những việc làm ty tiện, đớn hèn vô liêm sỉ. Tiền bạc lắm để làm gì, chết có mang đi được đâu, danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất.
Nhất quán với tinh thần đó, tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 73 (ngày 15/01/2018), trong bài phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Các đồng chí luôn luôn ghi nhớ, khắc sâu vào tâm trí mình mà thực hiện cho bằng được chân lý: “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”; “Còn Đảng thì còn mình”; “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”. Đến Hội nghị Thường vụ Đảng ủy CATW (2020), phát biểu chỉ đạo, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa khẳng định: “Bảo vệ và giữ gìn danh dự và uy tín của CAND là điều thiêng liêng nhất”. Đặc biệt tại Hội nghị toàn quốc triển khai Nghị quyết 12 của Bộ Chính trị (6/2022) đồng chí Tổng Bí thư một lần nữa tiếp tục khẳng định phải kiên quyết: “Bảo vệ uy tín, danh dự và phát huy truyền thống anh hùng cách mạng vẻ vang của CAND” và trong bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm 75 năm CAND học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy và 75 năm Ngày truyền thống xây dựng lực lượng CAND (6/3/2023), đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa tiếp tục khẳng định: “Công an nhân dân còn Đảng là còn mình, vì nước quên thân, vì dân phục vụ. Danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất”…
Danh dự đến từ những cống hiến thực tế của cá nhân đối với xã hội, từ lối sống có trách nhiệm của bản thân đối với cộng đồng, quốc gia, dân tộc; từ ứng xử đẹp với gia đình, người thân, bạn bè, làng xóm; từ sự dám đấu tranh với cái xấu, cái ác trong xã hội; từ sự cần, kiệm, liêm, chính; biết đủ, biết dừng; không tham lam của người, của công, của tập thể; sống trung thực, thành thật, giữ chữ tín…Danh dự được xác định qua thái độ biết tôn trọng và bảo vệ danh dự của người khác.
Đây chính là điều cần thiết nâng tầm giá trị bản thân. Danh dự, tiếng tăm không chỉ ảnh hưởng đến một cá nhân mà còn ảnh hưởng tới cả gia đình, dòng họ, lĩnh vực, ngành công tác mà đôi khi cả ở tầm quốc thể (điều này phụ thuộc vào vị trí xã hội, tầm ảnh hưởng của cá nhân đó). Danh dự không chỉ ảnh hưởng một đời mà còn lưu truyền tới muôn đời sau. Danh dự không thể mua bán, trao đổi, ban phát hay cho tặng như những món quà, vật phẩm khác. Tiền bạc mất đi có thể kiếm lại được, còn danh dự mất đi thì không thể lấy lại được.
Danh dự cũng không phân biệt thân phận giàu nghèo, sang hèn, địa vị, chức vụ, nghề nghiệp, giới tính, dân tộc, tôn giáo tín ngưỡng. Người nào có danh dự, trọng danh dự sẽ được mọi người yêu mến, tin tưởng, tôn trọng. Danh dự cũng không phải là điều gì đó bất biến, còn mãi, trái lại sẽ bị giảm sút, thậm chí mất đi nếu không biết giữ gìn, bảo vệ, bồi đắp, như lời chỉ dạy của Bác Hồ: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Trọng danh dự là một “thứ vũ khí” hữu hiệu để luôn giữ mình cho được trong sạch, vững vàng, không để bị sa ngã, cám dỗ trước các thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, sự mua chuộc, lôi kéo của các phần tử xấu, "lợi ích nhóm"; không bị cám dỗ bởi những “danh lợi tầm thường”; không để bị lợi dụng cương vị công tác của mình làm những “việc ty tiện, đớn hèn”, làm phương hại đến lợi ích chung của Đảng, Nhà nước và lợi ích chính đáng của Nhân dân. Đây là đạo lý làm người, phẩm giá cao quý của người cán bộ, đảng viên trong thời kỳ mới.
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường xuyên nhắc nhở, căn dặn cán bộ đảng viên: Danh dự gắn liền với trọng liêm sỉ. “Liêm” chính là sự thanh liêm, chính trực, ngay thẳng, đó là sự trong sạch, tuyệt đối không tham ô, tham nhũng, tiêu cực, luôn tôn trọng, giữ gìn của công và của nhân dân; không hám danh lợi, địa vị, không ham tiền tài, danh vọng, không đố kỵ, toan tính lợi ích nhỏ nhen, ích kỷ; không làm điều mờ ám, khuất tất, trái với đạo lý, lương tâm, nguyên tắc, quy định; biết phân biệt đúng sai, tốt, xấu, biết tự cảnh báo giới hạn, răn dạy mình tránh những điều xấu xa, tội lỗi... "Liêm" là thước đo đạo đức và bản lĩnh của người cán bộ, nhất là khi được Đảng, Nhà nước giao chức vụ, quyền hạn lãnh đạo, quản lý, nắm quyền, nắm tiền của, tài sản công. “Sỉ” là biết hổ thẹn khi làm việc xấu, làm sai, làm trái; là thước đo giá trị xã hội của mỗi người. Người giữ liêm sỉ thì luôn giữ cho nhân cách mình được vẹn toàn, thanh danh mình được trong sạch, không bị “vấy bẩn” bởi lòng tham “chiếm công vi tư”. Người vô liêm sỉ là người không biết trọng danh dự, có thái độ, hành vi trái với đạo đức, tư cách, lương tâm, danh dự của con người.
Nhớ lại lời căn dặn tâm huyết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đồng chí đã vào cõi vĩnh hằng, mỗi cán bộ đảng viên hãy biến nhận thức thành hành động cách mạng thiết thực, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo, chức vụ càng cao trách nhiệm càng lớn, ảnh hưởng càng rộng thì việc giữ gìn danh dự, uy tín cho mình, cho Đảng càng có ý nghĩa quan trọng.
“Tham, sân, si” là một thuộc tính xấu của con người. Chúng ta khó và không thể tiêu diệt ngay được một lúc, một lần mà phải kiên trì, kiểm soát, khắc chế, sắp xếp để tính tham ít gây hại cho người khác. Giữ cho được liêm sỉ, tri túc, tri chỉ, thực sự gương mẫu, đi đầu thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình, luôn tự soi, tự sửa “tự nhận diện”, khắc chế lòng tham để phòng ngừa suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, góp phần xây dựng một nền văn hóa chính trị, văn hóa liêm chính trong Đảng, trong cơ quan nhà nước, đoàn thể chính trị và toàn dân./.
Theo https://dangcongsan.vn/