Tin tức

Lâm Đồng: Đánh giá tình hình phát triển KTXH 7 tháng năm 2024

Thứ hai, 29/07/2024 - 07:22

Lamdongtv.vn - UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2024; nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới.

Ông Võ Ngọc Hiệp, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S và Nguyễn Ngọc Phúc cùng chủ trì hội nghị. Tham dự có lãnh đạo các Sở, Ngành của tỉnh và 12 điểm cầu các huyện, thành phố.
 



Theo báo cáo của lãnh đạo Sở Kế hoạch đầu tư cho thấy, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp Lũy kế 07 tháng đầu năm tăng 2,11% so với cùng kỳ; Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 7/2024 Luỹ kế 07 tháng đạt 15.579 tỷ đồng, tăng 6,71% so với cùng kỳ. Ước đến cuối tháng 7, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 7.915 tỷ đồng, bằng 60% so với dự toán Trung ương giao (DTTW), bằng 56% dự toán địa phương (DTĐP), tăng 4,1% so với cùng kỳ.
 

Về công tác thu hút đầu tư lũy kế 7 tháng đầu năm, có 01 dự án đầu tư cấp mới với tổng vốn đăng ký đạt 35 tỷ đồng, quy mô diện tích đạt 0,65 ha; có 22 dự án điều chỉnh nội dung dự án đầu tư. Cũng trong 7 tháng năm 2024, có 1.206 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký 3.375,5 tỷ đồng, giảm 9% về số doanh nghiệp và giảm 25,9% về vốn đăng ký so với cùng kỳ; có 863 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 37% so với cùng kỳ; có 140 doanh nghiệp giải thể, tăng 6,1% so với cùng kỳ; có 339 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 10,8% so cùng kỳ.

Tổng lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Lâm Đồng ước đạt trên 6 triệu lượt (tăng 12,1% so với cùng kỳ, đạt 62,2% kế hoạch năm 2024), khách qua lưu trú ước đạt 4,4 triệu lượt (tăng 14,5% so với cùng kỳ, đạt 59% kế hoạch)……các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được chú trọng; tiếp tục duy trì và thực hiện tốt chính sách người có công với cách mạng, đảm bảo an sinh xã hội, công tác giảm nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, đối tượng yếu thế, phong trào thi đua ˮxóa nhà tạm, nhà dột nátˮ trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm...; quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội cơ bản được giữ vững.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội trong 07 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu đề ra (đạt 21% kế hoạch, thấp hơn so với cùng kỳ 6,1%); công tác quản lý bảo vệ rừng chưa thực hiện tốt, mặc dù số vụ giảm (giảm 3 vụ, tương ứng giảm 15%) nhưng diện tích rừng bị phá tăng 172% và khối lượng lâm sản thiệt hại tăng 69%, có nhiều vụ việc phức tạp, nổi cộm (trên địa bàn huyện Đam Rông và Đơn Dương); công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc
Công tác thu hút đầu tư, nhất là dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chuyển biến chậm; tiến độ các công trình trọng điểm chưa đảm bảo theo yêu cầu của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; tình hình an ninh, trật tự trên một số địa bàn vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp; tình trạng sạt lở đất gây thiệt hại về người và tài sản, trẻ em bị tai nạn đuối nước còn xảy ra tại một số địa phương……
 
 
 
 
Hội nghị đã nghe lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh, các địa phương trình bày, trao đổi về những kết quả đạt được và chưa được trên lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng; công tác thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công, công tác chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, phòng chống thiên tai, sạt trượt, an toàn giao thông và những khó khăn, tồn tại đối với các vấn đề về xác định đơn giá đất đối với các khu đất ở các địa phương, tình hình san gạt, chuyển mục đích diện tích nhà ở, đất ở……cũng như các giải pháp trọng tân nhằm thúc đẩy các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tháng 8 và của cả năm 2024.

Phát biểu chỉ đạo và kết luận hội nghị, Ông Võ Ngọc Hiệp, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đánh giá cao vai trò của các cấp, các ngành trong nỗ lực thúc đẩy kinh tế, xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm với những điểm sáng nhất định. Đồng thời cũng đã chỉ rõ những hạn chế, phê bình vai trò, trách nhiệm của các sở, ngành, chính quyền một số địa phương trong công tác thu ngân sách, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, công tác đảm bảo an toàn giao thông.

Để đạt được kết quả cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra trong năm 2024, Ông Võ Ngọc Hiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo trước mắt: Tiếp tục bám sát chủ đề năm 2024 của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh với đầy đủ các nội dung đã được ban hành. Tập trung ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, bám sát kịch bản tăng trưởng và triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của UBND tỉnh. Nâng cao chất lượng, hiệu quả nguồn lực đầu tư công, huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư, xây dựng.
 
Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2024 theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 16/01/2024. Khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, phê duyệt dự án, đối với các dự án tái định cư phục vụ cao tốc, các dự án được HĐND phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 267/NQ-HĐND ngày 19/4/2024 để sớm triển khai tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công.

Đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chuyển tiếp, trong đó, tập trung đối với các dự án bố trí vốn năm 2023 chưa giải ngân hết được HĐND tỉnh cho phép kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2024 tại Nghị quyết số 275/NQ-HĐND ngày 19/4/2024, đảm bảo giải ngân hết số vốn được kéo dài trong năm 2024.
 
Trong 15 nhóm nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong năm 2024, ngoài việc rà soát quỹ đất công, ưu tiên sử dụng một phần ngân sách địa phương để tạo quỹ đất sạch; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về hạ tầng để thu hút đầu tư, thực hiện quyết liệt các biện pháp, giải pháp thu ngân sách nhà nước năm 2024, tăng cường nguồn thu mới, quản lý chặt chẽ các nguồn thu hiện có, thu đúng, thu đủ các khoản thu; thu các nguồn thu còn nợ.

 Ông Võ Ngọc Hiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, rà soát, điều chỉnh các quy hoạch có liên quan để bảo đảm thống nhất theo Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch vùng Tây nguyên, Quy hoạch ngành quốc gia.

Phát triển các sản phẩm du lịch mới và chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh dựa trên lợi thế nổi trội về tài nguyên tự nhiên và văn hóa của từng địa phương, Tiếp tục triển khai mô hình kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố Đà Lạt; nghiên cứu thiết lập chuỗi sự kiện ban đêm xuyên suốt trong năm, nâng cao thời gian lưu trú và chi tiêu của du khách.

Tiếp tục tái cơ cấu, phục hồi, phát triển các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; quan tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ. Hoàn thiện hạ tầng và triển khai thu hút đầu tư các khu, cụm công nghiệp hiện có trên địa bàn tỉnh. Xúc tiến thương mại, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, sản phẩm, chuỗi cung ứng; củng cố và mở rộng thị phần hàng hoá của tỉnh tại các thị trường truyền thống; mở rộng các thị trường xuất khẩu mới có tiềm năng; khai thác và tận dụng các cơ hội từ các thị trường xuất khẩu chính.
 
 Ngoài ra, các lĩnh vực khác như an sinh xã hội, tháo gỡ điểm nghẽn của bất động sản, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, công tác đào tạo lao động, phòng chống tham nhũng, phòng chống dịch bệnh, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai - bảo vệ môi trường, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, củng cố quốc phòng; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội

 Thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại - tố cáo; tăng cường quản lý trật tự đô thị; thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp để giảm thiểu tối đa tai nạn giao thông trên cả 03 tiêu chí cũng đã được chỉ đạo triển khai quyết liệt trong thời gian tới, với mục tiêu hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của năm 2024.

 Đặc biệt là chuẩn bị các điều kiện tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật liên quan đến Festival hoa Đà Lạt lần thứ X - năm 2024 /.
Hoàng Phúc

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

TT OK Quảng cáo trang nội dung, cột giữa