Lamdongtv.vn - Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cũng đã kiến nghị xem xét, giải quyết; đồng thời cho phép dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc được áp dụng cơ chế chia sẻ phần doanh thu giảm để tăng tính hấp dẫn của Dự án đối với các Nhà đầu tư.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải đã chủ trì họp Phiên thứ 13 của Ban Chỉ đạo theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến với 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.
Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, thành viên Ban chỉ đạo, Ban quản lý dự án, nhà thầu liên quan. Tại điểm cầu Lâm Đồng, ông Phạm S, PCT UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành đã tham dự.
Tại phiên họp lần này, báo cáo của Bộ GTVT cho thấy, hiện nay, các địa phương có các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải đang tiếp tục thực hiện công tácchuẩn bị đầu tư, quá trình thực hiện đầu tư, việc triển khai thi công, tích cực triển khai để bàn giao mặt bằng thi công. Ở các dự án khu vực phía Nam, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì, làm việc với các địa phương đểphân bổ và điều phối nguồn vật liệu cho từng dự án, chỉ đạo các tỉnh có mỏ đá khẩn trương quyết định theo thẩm quyền việc cấp phép, nâng công suất khai thác mỏ đá phục vụ các dự án cao tốc khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Các dự án khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ: nguồn cung cấp vật liệu đã cơ bản đáp ứng nhu cầu thi công. tuy nhiên, diện tích còn lại là phần đất ở và di dời hệ thống cột điện cao thế ở 1 số địa phương chưa đạt tiến độ đề ra. Đối với việc triển khai thi công các dự án để hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ có hiệu quả của các bộ, ngành, các địa phương, sự nỗ lực của ngành GTVT trong tổ chức triển khai các dự án, đến nay đã hoàn thành đưa vào khai thác 2.021 km đường bộ cao tốc.
Tại phiên họp này, ông Phạm S, PCT UBND tỉnh Lâm Đồng đã báo cáo ngắn gọn về việc triển khai đầu tư 02 Dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và đoạn Bảo Lộc - Liên Khương theo phương thức đối tác công tư trên địa bàn tỉnh. Đến nay, tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai đã thống nhất phương án thực hiện và đang triển khai các thủ tục theo đúng quy định về trồng rừng thay thế. Tỉnh Lâm Đồng cũng đã quy hoạch bổ sung 07 mỏ vật liệu xây dựng, gồm 03 mỏ đất san lấp, 02 mỏ cát xây dựng và 02 mỏ đá. Các địa phương có tuyến cao tốc đi qua đã sơ bộ thống kê, tính toán khối lượng, phạm vi, diện tích bồi thường, giải phóng mặt bằng và dự kiến quỹ đất tái định canh, tái định cư cho Dự án; đồng thời, đã triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư xây dựng các khu tái định cư phục vụ cho cao tốc…..
Theo PCT UBND tỉnh Lâm Đồng, đây là 02 Dự án có tổng mức đầu tư lớn, trong khi đó phần vốn nhà nước tham gia dự án còn thấp; dự án không được áp dụng cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu nên gây khó khăn trong việc huy động vốn cho dự án.
Nhà đầu tư đề xuất dự án cũng khó khăn trong việc hoàn thiện phương án tài chính và đã kiến nghị nhiều giải pháp tài chính (như: tăng vốn Nhà nước tham gia dự án,...), từ đó dẫn đến ảnh hưởng (chậm) tiến độ trong việc hoàn thiện Hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi.
Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cũng đã kiến nghị xem xét, giải quyết; đồng thời cho phép dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc được áp dụng cơ chế chia sẻ phần doanh thu giảm để tăng tính hấp dẫn của Dự án đối với các Nhà đầu tư. Kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu và hướng dẫn các địa phương để tháo gỡ khó khăn trong việc xác định bãi đổ thải đất thừa công trình, chuyển đổi đất rừng và phương án thực hiện nhằm rút ngắn thời gian thực hiện hồ sơ, thủ tục để đẩy nhanh tiến độ triến khai
Dự án. Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, tại các phiên họp trước, Chính phủ đã giao 57 nhiệm vụ cho các bộ, ngành và địa phương trong đó tập trung vào tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), cấp nguồn vật liệu xây dựng (VLXD) nhất là cho các dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam; đến nay, các đơn vị đã hoàn thành 20 nhiệm vụ đúng thời hạn yêu cầu, đang tích cực triển khai 30 nhiệm vụ, 01 nhiệm vụ chưa đến hạn, chưa hoàn thành đúng hạn 06 nhiệm vụ.
Trên tinh thần “bàn làm, không bàn lùi”, “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”, các địa phương có các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải cần tập trung huy động toàn bộ hệ thống chính trị cùng vào cuộc, khẩn trương xây dựng và ban hành kế hoạch chi tiết đường găng tiến độ hoàn thành các dự án trong năm 2025 ; phù hợp điều kiện giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu, điều kiện thời tiết, để làm cơ sở theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo, kiểm soát chặt tiến độ thi công các dự án, đảm bảo hoàn thành mục tiêu 3.000 km đường bộ cao tốc vào cuối năm 2025;
Cùng với đó, hưởng ứng, thực hiện hiệu quả phong trào thi đua 500 ngày đêm cao điểm hoàn thành thắng lợi các dự án đường bộ cao tốc"; phân công "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ hiệu quả
Thủ tướng cũng yêu cầu khẩn trương triển khai lựa chọn nhà đầu tư để sớm khởi công dự án Dầu Giây-Tân Phú; Tỉnh Lâm Đồng tiếp tục chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan để giải quyết vướng mắc, sớm phê duyệt dự án đầu tư cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc, Bảo Lộc-Liên Khương. …/.
Hoàng Phúc