Thưa quý vị và các bạn! Trong những năm trở lại đây, việc đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt đẩy mạnh phát triển nhà màng, nhà lưới đã góp phần tăng hiệu quả sử dụng đất, nâng cao chất lượng nông sản, chủ động trong canh tác và trở thành hướng đi được nhiều nông dân, hợp tác xã ở huyện Tân Uyên, Lai Châu triển khai hiệu quả.
Gia đình anh Nguyễn Đình Tuyên, ở khu phố 1, thị trấn Tân Uyên là một trong những hộ tiên phong ở địa phương trong chuyển đổi đất canh tác kém hiệu quả sang mô hình sản xuất nhà màng công nghệ cao. Từ diện tích hơn 4.000m2 đất dốc bạc màu sản xuất kém hiệu quả, năm 2021 gia đình anh đã được huyện đầu tư xây dựng 1 nhà màng để trồng dưa lưới. Khi thấy hiệu quả của mô hình trồng nhà màng, gia đình anh đã tự đầu tư thêm một nhà màng để phát triển trồng thêm ớt chuông, dưa leo baby và hiện tại anh đang đầu tư trồng thêm nho sữa Nhật. Năm 2022, sản phẩm dưa lứa vàng Tân Uyên của gia đình anh cũng đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đãn giúp gia đình anh Tuyên mỗi năm thu nhập sau chi phí khoảng 200 triệu đồng.
Ngay từ khi công ty TNHH 1 thành viên Trọng Nghĩa, thị trấn Tân Uyên triển khai mô hình trồng măng tây trong nhà màng, chị Tòng Thị Kim đã xin vào làm công nhân và được tập huấn kỹ thuật chăm sóc măng tây. Chị Kim cho biết, ưu điểm của nhà màng, nhà lưới là ngăn chặn được sự gây hại của côn trùng, tránh được điều kiện bất lợi của môi trường. Người chăm sóc dễ dàng kiểm soát và điều chỉnh lượng nước tưới và chất dinh dưỡng cho cây sinh trưởng, phát triển, giảm thiểu công chăm sóc, hạn chế sử dụng các chất hóa học, người chăm sóc chỉ cần tuân thủ đúng kỹ thuật thì cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Đến nay, huyện Tân Uyên đã phát triển được 2,5 ha diện tích nhà màng, nhà lưới và phấn đấu đến hết năm 2024 sẽ phát triển thêm 1,5 ha. Các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao sản xuất theo mô hình nhà lưới, nhà màng như: Cà chua baby, cà chua socola, dưa lưới, dưa lê, ớt chuông cho năng suất, chất lượng cao hơn so với sản xuất thông thường và rất được thị trường ưa chuộng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.
Hiệu quả bước đầu từ ứng dụng mô hình nhà màng, nhà lưới vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã mở ra hướng đi mới cho người nông dân huyện Tân Uyên, các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đã tạo được sức cạnh tranh trên thị trường,góp phần nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
PHÒNG THỜI SỰ