Lamdongtv.vn - Để nâng cao trách nhiệm người dân sống gần rừng, thời gian qua chủ rừng, chính quyền các cấp phối hợp, thực hiện nghiêm túc việc ký cam kết bảo vệ rừng. Đây được coi là biện pháp mang tính pháp lý, ràng buộc trách nhiệm các hộ dân sinh sống, sản xuất cạnh rừng, góp phần hạn chế vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn!
Công ty lâm nghiệp Bảo Thuận, huyện Di Linh quản lý hơn 19 nghìn ha rừng, trải dài trên 6 xã. Trong đó, nhiều diện tích rừng nằm đan xen với khu dân cư và liền kề khu vực sản xuất của người dân. Đây chính là địa bàn thời gian qua thường xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp. Vì vậy, chủ rừng và chính quyền phối hợp, tổ chức cho các hộ dân ở khu vực này ký cam kết bảo vệ rừng.
Địa bàn rừng xã Phi Liêng, huyện Đam Rông, nếu như năm 2023, nhiều vụ việc ken cây, đổ hóa chất để lấn chiếm đất lâm nghiệp diễn ra phức tạp, thì thời gian gần đây được ngăn chặn, số vụ giảm rõ rệt. Kết quả này nhờ việc triển khai nội dung ký cam kết với các hộ dân sống gần rừng và toàn bộ hộ nhận khoán bảo vệ rừng.
Mô hình ký cam giữ rừng được các chủ rừng ở Lâm Đồng đưa vào Nghị quyết chuyên đề của Chi bộ. Hàng tháng, việc sinh hoạt Chi bộ được báo cáo, đánh giá rất rõ; vị trí nào, địa bàn nào xảy ra phá rừng, thì sẽ rà soát cụ thể theo danh sách đã ký cam kết trước đó. Với cách làm này, nhiều vụ việc nhanh chóng được phát hiện, kịp thời xử lý và nâng cao ý thức của Nhân dân.
Được hưởng lợi tài nguyên rừng mang lại, ý thức của người dân ngày càng nâng cao, điều đó thể hiện rõ qua việc chấp hành, ký cam kết bảo vệ rừng, nhất là bà con vùng dân tộc thiểu số. 8 tháng đầu năm nay, vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, diện tích và lâm sản thiệt hại. Đặc biệt là lâm phần, vùng rừng liền kề với khu dân cư được bảo vệ cơ bản tốt thông qua việc ký cam kết, góp phần giữ vững trật tự vùng rừng của địa phương.
Mạnh Thành