Tin tức

Đánh giá rủi ro và tìm giải pháp ngăn chặn sạt lở đất ở Lâm Đồng

Thứ năm, 29/08/2024 - 07:37

Lamdongtv.vn- Sở xây dựng tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội thảo “Phân tích, đánh giá rủi ro và giải pháp ngăn chặn, phòng tránh để giảm thiểu sạt lở đất trên địa bàn tỉnh”.

Lãnh đạo các sở ngành, địa phương liên quan và các chuyên gia trong và ngoài nước cùng tham dự.


 

Khi mùa mưa đến sạt lở đất thường xảy ra nhất là các tuyến đường đèo đoạn qua vùng đồi núi có độ dốc lớn, sạt lở bờ sông cũng xảy ra ở các sông, suối trong tỉnh. Năm 2023 có 17 điểm sạt lở và có một số điểm sạt trượt đất làm 5 người chết, một số người khác bị thương và thiệt hại nhiều tài sản, nhà của người dân.

Từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã xảy ra 2 đợt mưa lớn kèm lốc xoáy, 2 vụ sạt lở đất làm 3 người chết và hư hỏng nhiều tài sản. Ước tổng thiệt hại khoảng 3 tỷ đồng. Qua rà soát, toàn tỉnh hiện có 424 vị trí bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở đất, tập trung chủ yếu tại thành phố Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt, huyện Lâm Hà, huyện Di Linh, huyện Đức Trọng và huyện Đam Rông . . .

Nguyên nhân là do tổng lượng mưa năm trên khu vực tỉnh Lâm Đồng có chiều hướng gia tăng qua từng năm và có xu thế biến đổi khá phức tạp, địa hình chủ yếu là đồi núi, nền địa chất phức tạp, mái dốc chủ yếu là phong hóa từ đá bazan tính liên kết kém, bở rời.
 
 

Tại hội thảo, các chuyên gia, đã đưa ra những đánh giá sâu sắc về tình hình sạt lở và đề xuất các giải pháp quản lý rủi ro từ khâu quy hoạch, thiết kế, lựa chọn dự án, tổ chức vận hành. Theo đó, để chống sạt trượt cần phân loại các vị trí trên tuyến đường để đánh giá nguy cơ sạt trượt: Loại sạt trượt dạng dòng; loại sạt trượt do lũ quét sườn dốc, sạt lở đất, lũ bùn đá; loại trượt do xói lở bờ sông. Đồng thời cần thiết kế, quy hoạch tuyến đường mới tránh các vùng có nguy cơ tai biến địa chất.Chuyên gia địa chất Công ty Nippon Koei Tokyo đã giới thiệu những công nghệ, kỹ thuật mới trong phân tích rủi ro địa chất, giúp xác định chính xác các khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở.
 
  
Các chuyên gia cũng nhận định, quá trình ứng phó với sạt lở vẫn còn nhiều thách thức, như nguồn lực hạn chế, nhận thức của người dân chưa cao và công tác quy hoạch chưa được thực hiện hiệu quả và việc chưa xây dựng được bản đồ cảnh báo sạt lở cũng ảnh hưởng lớn đến việc quy hoạch xây dựng cũng như giao thông hiện nay.

Tuy nhiên, các nhà quản lý, các tổ chức, chuyên gia trong và ngoài nước đã nghiên cứu, đi sâu phân tích, đánh giá từ đó đã đề xuất các giải pháp hiệu quả, thực tế nhằm ứng phó, ngăn chặn, giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do sạt lở đất gây ra. Hội thảo đã mở ra nhiều cơ hội để các cơ quan chức năng, các nhà khoa học và cộng đồng cùng nhau tìm kiếm giải pháp, nhằm hướng đến có giải pháp hiệu quả ngăn chặn, phòng tránh, giảm thiểu sạt lở đất trên địa bàn Lâm Đồng.
 
Mai An

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

TT OK Quảng cáo trang nội dung, cột giữa