Tin tức

Phó Thủ tướng Chính phủ làm việc với Lâm Đồng và Khánh Hòa về các dự án cao tốc

Thứ năm, 05/09/2024 - 07:03

Lamdongtv.vn - Tại TP Đà Lạt, Phó Thủ Tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã có buổi làm việc với lãnh đạo 2 tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hòa để giải quyết các khó khăn, vướng mắc của dự án đường bộ cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương và dự án tuyến đường bộ cao tốc Nha Trang - Đà Lạt.

Cùng chủ trì hội nghị có Ông Nguyễn Thái Học, Quyền bí thư tỉnh ủy Lâm Đồng. Cùng dự còn có lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành, lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa, hệ thống các ngân hàng Việt Nam, các nhà đầu tư đề xuất của các dự án cao tốc. Về phía tỉnh Lâm Đồng, Ông Trần Đình Văn - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc Hội tỉnh, Ông Trần Hồng Thái - Phó bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Bà Phạm Thị Phúc - Chủ tịch HĐND tỉnh, các ông bà trong Ban thường vụ tỉnh ủy, thường trực UBND tỉnh…
 

 

Báo cáo khái quát về dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Nha Trang(Khánh Hòa )- Đà Lạt (Lâm Đồng) với Phó thủ tướng Chính Phủ, ông Trần Hoà Nam PCT UBND tỉnh Khánh Hòa, đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền để lập hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án khẳng định, việc nghiên cứu đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Nha Trang - Đà Lạt trong giai đoạn trước năm 2030, theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT, là phù hợp với quy hoạch và thực tiễn; đảm bảo cơ sở chính trị; được sự ủng hộ của lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ; đáp ứng nhu cầu đầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Hướng tuyến cao tốc Nha Trang - Liên Khương cơ bản tuân thủ theo hướng tuyến Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454, có điều chỉnh một số đoạn đảm bảo các yếu tố kinh tế - kỹ thuật, phù hợp với định hướng phát triển của địa phương, khắc phục khó khăn địa hình đồi núi, hạn chế diện tích chiếm dụng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng khu vực qua vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà.

Tổng thể tuyến cao tốc Nha Trang - Liên Khương dài khoảng 99km, có điểm đầu giao với tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông tại xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa, điểm cuối tại chân đèo Prenn (điểm cuối cao tốc Liên Khương - Prenn) thuộc phường 3, thành phố Đà Lạt, chia thành 02 đoạn: Nha Trang - Đà Lạt dài khoảng 80,8km và Đà Lạt - Liên Khương dài khoảng 18,2km nhằm ưu tiên kết nối giữa hai thành phố Nha Trang và Đà Lạt, khắc phục những tồn tại của Quốc lộ 27C, đáp ứng nhu cầu vận tải, phục vụ phát triển du lịch và kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 25.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án dự kiến khoảng hơn 17.000 tỷ đồng có quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế từ 80 đến 100km/h. Dự án đường bộ cao tốc Nha Trang - Đà Lạt sau khi đầu tư xây dựng sẽ rút ngắn khoảng cách và thời gian di chuyển giữa Nha Trang đến Đà Lạt còn khoảng 1,5h đến 2h (so với hiện tại khoảng 4h), là động lực to lớn thu hút du khách tham gia các tour du lịch kết nối biển và hoa,.

Tại buổi làm việc , đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành TW cũng đã trao đổi, chỉ ra những khó khăn, điểm nghẽn của dự án này liên quan đến đất rừng, vườn phòng hộ quốc gia, nguồn vốn đầu tư ban đầu của dự án, quy trình về kỹ thuật, thi công của dự án.

Phát biểu chỉ đạo đối với dự án đường bộ cao tốc Nha Trang- Đà Lạt, Phó Thủ Tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã hoan nghênh và đánh giá cao những nổ lực của 2 tỉnh Lâm Đồng, Khánh Hòa và tập đoàn Sơn Hải, đơn vị đề xuất dự án đầu tư đã xây dựng các kế hoạch với quyết tâm cao để xây dựng dự án cao tốc này.

 Theo Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, đây cũng là 1 dự án cao tốc quan trọng, thúc đẩy phát triển du lịch toàn vùng; hình thành trục ngang kết nối vùng Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ, kết nối với các trục dọc, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải; tạo dư địa, động lực, không gian phát triển vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại của quốc gia. Để sớm triển khai dự án, Phó thủ tướng chính phủ chỉ đạo cần xem xét, giải quyết từng nội dung công việc cụ thể và cùng tháo gỡ những điểm nghẽn.

3 nội dung giai đoạn cbi đầu tư sau cuộc họp sẽ có chỉ đạo Bộ GTVT tham gia cùng các chuyên gia, nhà đề xuất dự án xem xét các vấn đề về hướng tuyến, điều chỉnh quy hoạch, kỹ thuật, công nghệ, thiết bị và con người, qua đó cần tính toán cụ thể về bình đồ, đồng nút của việc chênh lệch địa hình để tính toán chính xác, có cơ sở chuẩn xác cao…

Pháp lý thống nhất trình TT CP đẩy nhanh tiến độ phụ thuộc vào tính toán của dự án, thẩm định dự án trình Quốc Hội về quy mô đầu tư, tỷ lệ đóng góp của các bên; nguồn ngân sách của 2 địa phương từ khoản vượt thu, cùng các nguồn khác để tính toán kỹ hơn cho dự án; hiệu quả của dự án để thu hút thêm các nhà đầu tư




Tại buổi làm việc, Phó Thủ Tướng Chính phủ cũng đã nghe Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái báo cáo cụ thể về dự án đường bộ cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương. Tỉnh Lâm Đồng đang dồn lực để trong 140 ngày hoàn tất hàng loạt thủ tục triển khai 2 dự án cao tốc, tháo gỡ những vướng mắc trước đây để có thể triển khai thực địa.

Ở Dự án đường bộ cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1386 có chiều dài khoảng 66 km (trong đó, đoạn qua địaphận tỉnh Lâm Đồng có chiều dài 55 km). Giai đoạn hoàn chỉnh 04 làn xe ô tô, tốc độ thiết kế 80 km/h, khoảng 4km-5km bố trí một vị trí dừng xe khẩn cấp trên cùng chiều xe chạy. Sơ bộ tổng mức đầu tư (giai đoạn phân kỳ): khoảng: 17.200 tỷ đồng, trong đó phần vốn nhà nước tham gia dự án là 6.500 tỷ đồng chiếm 37,79% tổng mức đầu tư, dự án không áp dụng cơ chế chia sẻ phần doanh thu giảm so với phương án tài chính của dự án.




Ở Dự án đường bộ cao tốc đoạn Bảo Lộc - Liên Khương được Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 151và Nghị quyết số 27, dự án có chiều dài khoảng 73,64 km, có 04 làn xe ô tô, tốc độ khai thác 80 km/h, sơ bộ tổng mức đầu tư: Khoảng 19.521 tỷ đồng, phần vốn nhà nước 7.761 tỷ đồng, chiếm 39,76% tổng mức đầu tư của Dự án.



Hiện nay, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã chủ động giải quyết các khó khăn vướng mắc thuộc thẩm quyền về như Áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu theo điều 82 Luật PPP; Các nội dung thay đổi cục bộ về hướng tuyến, chuyển mục đích sử dụng rừng.

Tuy nhiên, ở 2 dự án cao tốc này còn một số khó khăn, vướng mắc chưa thể tháo gỡ giải quyết, gồm: nguồn vốn Nhà nước tham gia dự án; việc chồng lấn của Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050; giải ngân nguồn vốn Nhà nước của dự án và hỗ trợ nguồn vốn tín dụng để thực hiện dự án.

Người đứng đầu UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã đề xuất kiến nghị với Phó thủ tướng Trần Hồng Hà xem xét bổ sung vốn ngân sách Nhà nước cho Dự án khoảng 3.332 tỷ đồng (đoạn Tân Phú - Bảo Lộc: 2.410 tỷ đồng; đoạn Bảo Lộc - Liên Khương: 922 tỷ đồng) và cho phép dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc được áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu giảm theo quy định tại Điều 82 Luật PPP; cho phép Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc tiếp tục triển khai thực hiện dự án theo phương án không điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án (không tăng vốn ngân sách nhà nước); đồng thời, có ý kiến đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các Ngân hàng Thương mại cam kết thu xếp, cho vay đủ phần vốn huy động của 02 Dự án cao tốc với lãi suất ưu đãi để hoàn thiện phương án tài chính và phê duyệt Dự án làm cơ sở triển khai thực hiện 02 Dự án trong thời gian sớm nhất; chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan và các ngân hàng tháo gỡ khó khăn liên quan đến điều kiện cho vay tín dụng nhà nước tại Nghị định số 78;

Trong thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng tập trung hoàn thiện, trình lại hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc theo ý kiến của Hội đồng thẩm định liên ngành quốc gia. Do đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ và sớm có ý kiến thẩm định hồ sơ BCNCKT để Dự án sớm triển khai bước tiếp theo theo quy định….

Lãnh đạo các Bộ ngành, Tập Đoàn Đèo Cả -đơn vị đề xuất dự án cũng đã thông tin thêm và chia sẽ các vấn đề liên quan đến 2 dự án cao tốc đi qua tỉnh Lâm Đồng, trong đó Tập đoàn Đèo Cả là nhà đầu tư và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) là bên cho vay vẫn quan tâm, quyết tâm thực hiện dự án; áp dụng mô hình PPP++ với mục đích tối ưu hóa việc huy động vốn cho dự án bằng cách đa dạng hóa nguồn vốn bao gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn chủ sở hữu, tín dụng, lợi nhuận xây dựng, trái phiếu, cổ phiếu và hợp đồng BCC nhằm nâng cao hiệu quả huy động và giảm thiểu rủi ro thực hiện; chỉ đạo để Ngân hàng nhà nước có ý kiến các ngân hàng TPBank, BIDV, Agribank tham gia đồng tài trợ để hỗ trợ việc thu xếp tín dụng nhằm triển khai đồng bộ Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương theo phương án được các Nhà đầu tư đề xuất.

UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt, đặc biệt là các nội dung liên quan đến việc chồng lấn phần diện tích của 02 dự án cao tốc với Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050….
Kết luận, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, ở cả 3 dự án này còn nhiều vấn đề cần tiếp tục được quan tâm và có các giải pháp để tháo gỡ và chỉ đạo kịp thời. Trong đó, đối với dự án đường bộ cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương, cơ quan chủ đầu tư, tỉnh Lâm Đồng, và Bộ GTVT cần triển khai thực hiện thẩm định liên ngành và một số nội dung trọng tâm khác
Thu hút và hiệu quả của đầu tư dự án, ngân sách nhà nước không tăng nhưng tăng cơ chế, tỉnh và nhà đầu tư báo cáo CP liên quan nghị định 32 và 28….hình thành liên danh ngân hàng tài trợ cho nhà đầu tư…tháo gỡ khoáng sản bị chồng chéo
Cũng trong chuyến công tác tại tỉnh Lâm Đồng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác của Chính phủ đã khảo sát, nắm bắt thực tế tại 2 dự án về  cao tốc  trên địa bàn tỉnh  Lâm Đồng . Tại buổi khảo sát ở nút giao Tân Hội ở huyện Đức Trọng, thuộc dự án cao tốc Bảo Lộc -Liên Khương, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và đại diện Tập đoàn Đèo Cả (đơn vị đề xuất đầu tư dự án) cũng đã trình bày, nêu những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thủ tục đầu tư các dự án cao tốc, từ đó đề xuất Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ để sớm triển khai dự án trong thời gian sớm nhất

Hoàng Phúc

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa Quảng cáo trang chủ, cột giữa OK TT