Lamdongtv.vn - Thưa quý vị và các bạn! Với những lợi thế về vị trí địa lý, thổ nhưỡng, khí hậu, tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, Tây Nguyên đang phát triển thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn của cả nước. Đây là tiền đề quan trọng để nông nghiệp Tây Nguyên tiếp tục hội nhập, phát triển.
Các tỉnh Tây Nguyên đã tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận thông tin, kết nối thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ mới trong sản xuất, chế biến nông sản hàng hóa chủ lực truyền thống của địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn những điểm nghẽn tác động đến sự phát triển nông nghiệp Tây Nguyên.
Hiện khu vực Tây Nguyên có gần 610.000 ha cà phê, chiếm 90% diện tích cà phê cả nước; 250.000 ha cao su, chiếm 26% diện tích cả nước; 90.000 ha hồ tiêu, chiếm hơn 60%; 83.000 ha điều, chiếm 28% và gần 70 ngàn ha sầu riêng.
Tuy nhiên, theo đánh giá, tiềm năng nông nghiệp của khu vực Tây Nguyên vẫn phát triển chưa tương xứng. Mặc dù có sản lượng nhưng vấn đề quan trọng là khâu tổ chức thực hiện để cùng nhau có tiếng nói chung, kết nối sản xuất với thị trường.
Một trong những điểm nghẽn được đánh giá tác động đến nông nghiệp Tây Nguyên chính là hạ tầng kinh tế-xã hội, hạ tầng giao thông không đồng bộ; khả năng chế biến sâu để tạo ra chuỗi giá trị làm cho doanh nghiệp còn ngại khi đến với Tây Nguyên. Từ thực tế này, tỉnh Đắk Nông kiến nghị Trung ương tiếp tục quan tâm hạ tầng giao thông kết nối các tỉnh Tây Nguyên với các tỉnh lân cận nhằm tạo động lực để thúc đẩy nông nghiệp Tây Nguyên.
Theo đánh giá của Bộ NN và PTNT, khu vực Tây Nguyên còn nhiều dư địa phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ với nhiều loại cây trồng và sản phẩm có giá trị. Các địa phương của khu vực Tây Nguyên cũng đã ban hành nhiều nghị quyết, chính sách cụ thể, tạo môi trường, động lực cho phát triển nông nghiệp.
Ngoài sự hỗ trợ của Bộ NN và PTNT thì các bộ, ngành Trung ương liên quan cũng phải quan tâm trong vấn đề quy hoạch vùng, xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư nhằm tạo hệ sinh thái nông nghiệp và môi trường đầu tư lành mạnh để thu hút doanh nghiệp lớn đến với Tây Nguyên.
Đến nay, nông sản Việt Nam đã tiếp cận hơn 190 quốc gia, vùng lãnh thổ, mở ra nhiều cơ hội mới cho xuất khẩu. Trong đó, sầu riêng hiện có 293 vùng trồng và 115 cơ sở đóng gói đã được phía Trung Quốc cấp mã số. Đây là cơ hội quan trọng để nông nghiệp Tây Nguyên tiếp tục hội nhập, phát triển./.
PHÒNG THỜI SỰ