Thưa quý vị và các bạn! Với đặc điểm địa hình và điều kiện khí hậu thổ nhưỡng đặc trưng, một số khu vực tại Khánh Hòa được đánh giá có tiềm năng phát triển các loại cây dược liệu. Tuy nhiên, hiện nay, việc trồng cây dược liệu hầu hết là tự phát trong dân, trồng dưới tán rừng,…, chưa thể nhân rộng.
Do đó, việc phát triển liên kết theo chuỗi giá trị là giải pháp được hướng tới nhằm nâng cao giá trị cho dược liệu tại Khánh Hòa. Một số mô hình chuỗi giá trị bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực; góp phần tạo thu nhập ổn định cho người nông dân.
Cây xáo tam phân là loại cây dược liệu có giá trị cao, được đánh giá phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại khu vực núi Hòn Hèo – thị xã Ninh Hòa. Tuy chưa có thống kê đầy đủ, nhưng diện tích trồng cây xáo tam phân tại một số xã, phường có thể dao động trên dưới 10ha. Từ việc người dân trồng tự phát, thiếu định hướng, đến nay, việc trồng loại cây dược liệu này từng bước có sự tham gia tích cực hơn của các doanh nghiệp, từ khâu trồng, thu hoạch cho đến chế biến và đưa ra thị trường. Nhờ vậy, giá trị kinh tế của loại dược liệu này đã được nâng lên đáng kể.
Theo một số tài liệu nghiên cứu, tổng số loài thực vật có tiềm năng dược liệu ở Khánh Hòa là hơn 900 loài. Trong đó, nhiều loài được cộng đồng sử dụng khá phổ biến như: diệp hạ châu, sa nhân, kim thất, bá bệnh, nghệ, sâm lông, thần thông, mần ri, sâm bố chính,…. Ngoài ra, còn có một số cây thuốc có giá trị cao như: Trầm hương, quế, xáo tam phân,…
Tiềm năng là không ít, nhưng đi kèm với đó cần có những giải pháp nhằm bảo tồn và nâng cao giá trị kinh tế cho cây dược liệu. Do đó, việc Khánh Hòa thành lập được Hiệp hội Cây dược liệu, với 55 doanh nghiệp và cá nhân làm thành viên, là cầu nối quan trọng, hỗ trợ kết nối người dân với doanh nghiệp hình thành các chuỗi giá trị, cung cấp nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Cây dược liệu Khánh Hòa cũng xác định quan tâm, tạo điều kiện kết nối giữa các doanh nghiệp thành viên với các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành dược liệu tại tỉnh Khánh Hòa. Mặt khác, cũng cần đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học đối với các loại cây dược liệu, chú trọng vấn đề bảo tồn, nhân giống và chế biến sâu. Từ đó tạo cơ hội cho sự phát triển bền vững của ngành dược liệu và nâng cao giá trị kinh tế.
Phòng Thời sự