Lamdongtv.vn - Tại TP Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV, năm 2024 với 250 đại biểu đại diện cho hơn 378 nghìn đồng bào dân tộc thiểu số của 47 dân tộc anh em chung sống trên địa tỉnh tham dự.
Đến dự và chúc mừng đại hội có Thứ trưởng Y Vinh Tơr, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Ông Nguyễn Thái Học, Quyền bí thư Tỉnh ủy, Ông Trần Đình Văn, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Bà Phạm Thị Phúc, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Ông Trần Hồng Thái, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo UBMMTQVN tỉnh, các ông bà trong Ban thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ngành, huyện, thành, tổ chức Chính trị - xã hội, Ban Dân tộc các tỉnh giáp ranh cùng khối thi đua lĩnh vực công tác dân tộc với tỉnh Lâm Đồng
Phát biểu tại Đại hội, Ông Trần Hồng Thái, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, trong thời gian qua, từ các chủ trương, chính sách, và sự nỗ lực cố gắng vươn lên của chính bản thân đồng bào các dân tộc thiểu số nên tình hình kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển vượt bậc, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào cơ bản ổn định và từng bước được nâng cao, đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết một lòng theo Đảng.
Những kết quả đạt được về kinh tế-xã hội đã góp phần cũng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV, năm 2024 nhằm tổng kết đánh giá thành tựu, kết quả thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, phát triển cơ sở hạ tầng, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2019-2024.
Tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc toàn tỉnh, với chủ đề đại hội: tôi đề nghị các vị đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, tham gia đóng góp nhiều ý kiến xác đáng, góp phần tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc, xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Theo Báo cáo tại đại hội , giai đoạn 2021 - 2025, cùng với nguồn lực đầu tư chung để phát triển KT - XH toàn tỉnh, tổng nguồn lực đầu tư dành riêng cho vùng DTTS là 1.264,8 tỷ đồng được Trung ương phân bổ đủ và ngân sách địa phương đảm bảo tỉ lệ đối ứng 15%. Nhờ nguồn lực này, KT - XH vùng DTTS ở Lâm Đồng đã có những chuyển biến rõ nét: Mức thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS đạt 44,94 triệu đồng (tăng 12,5 % so với năm 2019).
Phấn đấu 100% xã, 50% thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS mỗi năm giảm từ 2 - 3% (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2021 - 2025); 76/78 xã vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Cơ sở hạ tầng tiếp tục được đầu tư đồng bộ: 100% thôn, buôn có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa; 99,8% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 96% số hộ đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Hoàn thành cơ bản công tác định canh định cư. Đáng chú ý, công tác giáo dục và y tế cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ học sinh đến trường ở lứa tuổi trẻ mẫu giáo và tiểu học đạt hơn 98%, trung học cơ sở đạt 97%, trung học phổ thông đạt hơn 80%. 100% đồng bào DTTS tại khu vực II, III hoặc mới thoát khỏi khu vực II, III (chưa đủ 36 tháng) tham gia Bảo hiểm y tế; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm xuống còn 14,9%; trên 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện người DTTS…
Với chủ đề “ Nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng : Đoàn kết - Bình đẳng - cùng phát triển” Đại hội lần thứ IV, năm 2024 đã đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp và nghe các tham luận để tập trung thực hiện thắng lợi công tác dân tộc trong giai đoạn 2024 - 2029. Trong đó, đến hết năm 2025, tỉnh Lâm Đồng không còn xã thuộc diện đặc biệt khó khăn và đến hết năm 2030, không còn thôn đặc biệt khó khăn. Các lĩnh vực quan trọng như: Giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa phát triển đồng bộ; an sinh xã hội được đảm bảo; giảm nghèo nhanh, bền vững.
Đặc biệt, Lâm Đồng sẽ nâng cao hiệu quả đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động là đồng bào DTTS. Bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS phù hợp với tỷ lệ dân số là người DTTS ở từng địa phương theo quy định. Đồng thời xây dựng và đưa ra các chương trình, kế hoạch để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của các DTTS.
Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Song song đó, phát triển các sinh kế bền vững nhằm tăng thu nhập bình quân đầu người trong vùng DTTS đạt 84-87 triệu đồng, xấp xỉ 70% thu nhập bình quân đầu người của tỉnh năm 2025. Tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS giảm từ 2,0 - 3,0%/năm nhờ các chính sách an sinh xã hội, giao khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ phát triển sản xuất trồng trọt, chăn nuôi. Đảm bảo các xã, thôn trong vùng đồng bào DTTS và miền núi có đầy đủ cơ sở hạ tầng và dịch vụ xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển KT - XH và đời sống của người dân.
Tặng hoa và phát biểu tại Đại hội, Thứ trưởng Y Vinh Tơr, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã chúc mừng những kết quả đã đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng trong thời gian qua, đặc biệt biểu dương ghi nhận sự cố gắng nỗ lực, từng bước làm “thay da đổi thịt vùng DTTS và miền núi của tỉnh. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đề nghị Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các DTTS tỉnh Lâm Đồng tiếp tục quyết tâm phấn đấu đạt được những thành tựu hơn nữa, mạnh dạn đổi mới sáng tạo, xác định cụ thể nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cho giai đoạn 2024-2029.
Cụ thể, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội, cán bộ, đảng viên cần tiếp tục nghiên cứu, nâng cao nhận thức sâu sắc các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, đại đoàn kết dân tộc và chính sách dân tộc trong tình hình mới. Tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ; hỗ trợ đối với các dịch vụ cơ bản và thiết yếu nhằm đảm bảo an sinh xã hội lâu dài và bền vững cho vùng đồng bào DTTS&MN, thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Đảng bộ tỉnh, mục tiêu trong Quyết tâm thư của Đại hội đã đề ra.
Tiếp tục tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS đa dạng hóa các nguồn lực huy động để thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS gắn kết chặt chẽ với 2 Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Quan tâm thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế phù hợp với từng vùng, địa phương gắn với quy hoạch và định hướng phát triển chung của tỉnh; tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phi nông nghiệp vùng đồng bào DTTS theo hướng tiến bộ, liên kết, phát huy được tiềm năng, lợi thế riêng biệt về đất đai, khí hậu, tài nguyên rừng, di tích, danh lam thắng cảnh và bản sắc văn hóa truyền thống của từng cộng đồng... để tạo sinh kế, việc làm, thu nhập ổn định cho đồng bào; thực hiện chính sách hỗ trợ cho khởi nghiệp, tiếp cận thị trường, giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS; huy động các nguồn lực, thu hút đầu tư vào vùng đồng bào DTTS .
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Ông Nguyễn Thái Học, Quyền bí thư Tỉnh ủy đã gởi tặng lẵng hoa chúc mừng đại hội, bày tỏ thống nhất cao với phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn 2024-2029 được nêu trong Báo cáo chính trị và các ý kiến tham luận tại Đại hội, cũng như ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, quyền Bí thư Tỉnh ủy đã gợi mở và nhấn mạnh một số nội dung và giao nhiệm vụ cụ thể cho cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành để thực hiện tốt công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Như tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, các cơ chế, chính sách đối với đồng bào dân tộc. Chăm lo, ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn. Ngoài việc hoàn thiện và từng bước nâng cao kết cấu hạ tầng, các thiết chế văn hóa - xã hội, tập trung phát triển sản xuất, chú trọng xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh để người dân học tập, làm theo; cần chú trọng và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, thay đổi tư duy lao động, sản xuất, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Về phát huy bản sắc bản sắc văn hóa dân tộc cũng như tinh thần tự lực tự cường không trông trờ ỷ lại,quyết tâm xây dựng vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh nhà phát triển toàn diện, bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển với các địa phương khác trong tỉnh và cả nước
Tại Đại hội, Ủy ban Dân tộc đã tặng Bằng khen cho 01 tập thể và 05 cá nhân; tặng kỷ niệm chương cho 05 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc và sự nghiệp phát triển các dân tộc Việt Nam. UBND tỉnh cũng đã tặng Bằng khen cho 11 tập thể, 3 cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2024. Đồng thời thông qua quyết tâm thư đại hội với 5 nhóm nhiệm vụ chính, nguyện một lòng đoàn kết, ra sức phấn đấu, tự lực tự cường cùng toàn Đảng, toàn dân xây dựng Lâm Đồng ngày càng giàu mạnh, phồn vinh và hạnh phúc./.
Hoàng Phúc