Thưa quý vị và các bạn! Séng cù là một trong những sản phẩm gạo đặc trưng của huyện Tam Đường nói riêng và của tỉnh Lai Châu nói chung, gạo có chất lượng thơm, ngon, được thị trường ưa chuộng.
Việc Công ty TNHH một thành viên Giống vật tư nông nghiệp Tây Bắc, thành phố Lai Châu liên kết với nông dân một số địa phương của huyện Tam Đường sản xuất, thu mua và chế biến đã giúp cho giá trị của loại gạo này được nâng cao rõ rệt. Bên cạnh đó là những thay đổi về nhận thức của nông dân trong sản xuất lúa séng cù.
Có hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa séng cù từ năm 2022 với Công ty TNHH MTV Giống vật tư nông nghiệp Tây Bắc đã giúp cho những hộ sản xuất như anh Lò Văn Cảnh, bản Lở Thàng 2, xã Thèn Sin yên tâm hơn về đầu ra cho sản phẩm. Giá thu mua không ấn định trước mà tùy theo giá thị trường. Đối với mỗi hộ tham gia mô hình, phải thỏa thuận cam kết, trong quá trình sản xuất tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật đề ra từ khâu làm đất, gieo mạ, chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh hại… theo hướng dẫn của các cán bộ kỹ thuật.
Đến nay toàn xã Thèn Sin đã thực hiện liên doanh, liên kết 30 ha lúa séng cù vụ đông xuân 2023-2024 và 4,4 ha vụ mùa năm 2024 tại các bản Thèn Sin 1, Thèn Sin 2, Na Đông và Lở Thàng 2 với Công ty TNHH MTV Giống vật tư nông nghiệp Tây Bắc. Trong đó các hộ dân tham gia liên kết sẽ được hỗ trợ 100% giống, 50% vật tư, phân bón và hỗ trợ kĩ thuật từ dơn vị liên kết. Nhờ vậy mà đến nay xã Thèn Sin đã xây dựng thành công thương hiệu sản phẩm OCOP gạo séng cù Thèn Sin.
Hiện nay, Công ty TNHH MTV Giống vật tư nông nghiệp Tây Bắc, thành phố Lai Châu liên kết với 14 tổ hợp tác gồm 483 hộ dân ở thị trấn Tam Đường và các xã: Thèn Sin, Hồ Thầu, Bình Lư, huyện Tam Đường với quy mô thực hiện 118ha.
Được biết, séng cù là một trong những sản phẩm gạo đặc trưng của địa phương, gạo có chất lượng thơm, ngon, được thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên, việc tự sản xuất không qua liên kết tiêu thụ sản phẩm nên thị trường không ổn định, không khẳng định được chất lượng, thương hiệu gạo của địa phương.Từ khi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đã mở rộng, ổn định thị trường tiêu thụ, góp phần nâng tầm giá trị cho gạo séng cù.
Công ty đã thỏa thuận, thống nhất với các tổ hợp tác cùng xây dựng phương án liên kết, thực hiện các điều khoản của hợp đồng liên kết. Hiệu quả kinh tế của dự án mang lại rõrệt, năng suất lúa đạt 55 tạ/ha, giá trị đạt 66 triệu đồng/ha, cao hơn 1,2 - 1,3 lần so với trồng lúa đại trà của người dân.
Chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gạo séng cù tại huyện Tam Đường đã đạt được cùng lúc các mục tiêu, đó là làm thay đổi nhận thức của người dân trong quá trình sản xuất. Đây cũng là cơ sở để các xã khác của tỉnh thực hiện mô hình mở rộng để phát triển sản xuất hàng hóa an toàn bền vững.
PHÒNG THỜI SỰ