Lamdongtv.vn - Tại Hà Nội, Phó thủ tướng Lê Thành Long và Bộ trưởng bộ giáo dục – đào tạo Nguyễn Kim Sơn đãchủ trì hội nghị trực tuyến với 63 điểm cầu trên toàn quốc về tổng kết công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013 – 2023 , triển khai nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.
Hội nghị đã được nghe Thứ trưởng bộ giáo dục – đào tạo Phạm Ngọc Thưởng báo cáo kết quả qua 10 năm thực hiện chủ trương của Đảng và các chính sách của Nhà nước về đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, công tác huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước cho phát triển giáo dục, đặc biệt là kiên cố hoá trường, lớp học đã đạt được những kết quả nhất định, thu hút đáng kể nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo.
Năm 2013, cả nước có 41.397 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập với hơn 553 ngàn phòng học các cấp mầm non, phổ thông công lập trong đó có khoảng 364.367 phòng kiên cố, đạt tỷ lệ là 65,9%. Từ năm 2014 đến nay, do nguồn vốn trung ương hỗ trợ cho lĩnh vực giáo dục hạn chế nên mới chỉ tập trung ưu tiên cho nhu cầu cấp bách là kiên cố hóa các phòng lớp học mà chưa tập trung thực hiện việc đầu tư xây dựng nhà công vụ cho giáo viên. Giai đoạn 2013- 2023, số phòng học được đầu tư từ nguồn xã hội hóa khoảng 35.984 phòng, số phòng công vụ cho giáo viên khoảng 1.216 phòng.
Tổng số kinh phí xã hội hóa để đầu tư kiên cố hóa, xây dựng phòng học, phòng công vụ cho giáo viên ước khoảng 32.800 tỷ đồng.Theo số liệu thống kê hết năm 2023, nhu cầu nhà công vụ của các địa phương là 10.794 phòng.
Riêng tại Lâm Đồng, Năm 2013, cả tỉnh có khoảng 8.820 phòng học các cấp từ mầm non, đến THPT , trong đó số phòng học kiên cố khoảng 7.333 phòng, đạt tỷ lệ kiên cố 83%. Số phòng công vụ cho giáo viên là 619 phòng, với tỷ lệ kiên cố hóa là 80%. Đến năm 2023, cả tỉnh (thành phố) có khoảng 8.533 phòng học các cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trong đó số phòng học kiên cố khoảng 7.816 phòng, đạt tỷ lệ kiên cố 92%. Nhu cầu đầu tư tại Lâm Đồng hiện cần 349 phòng học và 46 phòng công vụ cho giáo viên.
Tại hội nghị nhiều tỉnh , thành phố cũng đóng góp nhiều ý kiến thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả cơ sở vật chất , phòng học khang trang tại các trường nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi. Mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích xã hội hóa giáo dục, đặc biệt là các cơ chế ưu đãi về đất đai, miễn giảm thuế và hỗ trợ tài chính để tạo cơ sở pháp lý vững chắc và khung hành chính thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp đầu tư vào giáo dục song phong trào xã hội hóa vẫn chưa được triển khai đồng bộ và mạnh mẽ tại tất cả các địa phương.
Bên cạnh đó, công tác quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục vẫn chưa đồng bộ, còn nhiều điểm trường lẻ, quy mô nhỏ rải rác tại các khu vực dân cư thưa thớt, gây khó khăn trong việc quản lý và sử dụng nguồn lực. Nhiều công trình trường học vẫn chưa đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, khiến cơ sở vật chất xuống cấp nhanh chóng, đặc biệt ở vùng khó khăn .
Thời gian tới, để thúc đẩy xã hội hoá kiên cố hoá trường lớp và nhà công vụ cho giáo viên đạt hiệu quả và đi vào chiều sâu, Phó thủ tướng Lê Thành Long yêu cầu Bộ GD- ĐT triển khai cụ thể từng nội dung đến các địa phương , chủ động trong lập kế hoạch phát triển cơ sở giáo dục, đảm bảo quỹ đất cho việc xây dựng các trường học mới, nhất là tại các khu đô thị mới và khu tái định cư.
Đưa ra các chính sách ưu đãi cụ thể để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực giáo dục. Đào tạo và nâng cao năng lực cho đội ngũ quản lý giáo dục, đặc biệt trong việc thực hiện các dự án xã hội hóa. Tiếp tục đẩy mạnh quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục, tạo điều kiện để các trường học chủ động trong việc huy động nguồn lực và nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất.