Lamdongtv.vn - Thưa quý vị và các bạn, bơ là một trong những trái cây đặc sản của Lâm Đồng, tuy nhiên những năm gần đây việc tiêu thụ quả bơ đã gặp nhiều khó khăn do sự dôi dư sản lượng và chính vụ. Việc tiêu thụ quả bơ theo kiểu truyền thống ngày càng khó , cùng với đó là sự cạnh tranh từ các tỉnh Tây Nguyên
, chính vì vậy trong cái khó, nhiều nông dân đã nỗ lực tìm kiếm hướng đi mới trong việc tiêu thụ và nâng cao giá trị cho loại cây trồng này. Ghi nhận của phóng viên thời sự!
Từ một người làm trong lĩnh vực công nghệ ở TPHCM, sau đợt dịch Covid- 19 anh Phan Thanh Nhân trở về Quảng Lập- Đơn Dương nơi anh sinh ra để làm nông nghiệp, bắt đầu từ việc trồng bơ, cây trồng vốn đã rất phổ biến nơi đây.
Để tạo sự khác biệt và tránh tình trạng khó tiêu thụ vào chính vụ, anh đã chọn những giống bơ nghịch vụ và xây dựng Nông trại Avocado. Từ nông trại này anh chọn cách canh tác hữu cơ và mở cửa đón du khách tham quan, trải nghiệm quy trình trồng bơ và thưởng thức các sản phẩm chất lượng làm từ bơ ngay tại vườn. Vườn của anh Nhân trồng những giống bơ nổi tiếng của Lâm Đồng như Bơ 034, Bơ ông Tĩnh, đến mùa thu hoạch, anh mở cửa đón du khách và trực tiếp hướng dẫn khách tham quan cũng như nói về quy trình trồng, chăm sóc để tạo ra những trái bơ đảm bảo an toàn và có chất lượng về giá trị dinh dưỡng. Được tận mắt nhìn thấy vườn bơ trĩu quả, được giải thích rõ về quy trình trồng bơ theo phương pháp hữu cơ, giúp du khách có một chuyến trải nghiệm thú vị và có thể tin tưởng lựa chọn mua sản phẩm tại đây.
Với sản lượng thu hoạch hơn 80 nghìn tấn mỗi năm, việc tiêu thụ trái bơ ở Lâm Đồng trong những năm qua đã gặp nhiều khó khăn trước thực trạng cung vượt cầu và quả bơ là loại trái cây khó bảo quản, thời gian chín rất nhanh.
Tuy nhiên hiện trên địa bàn tỉnh các nhà máy, cơ sở chế biến bơ còn rất hạn chế nên giá trị của quả bơ chưa được nâng tầm. Đứng trước thách thức này, một nhóm bạn trẻ đã quyết định thành lập công ty chế biến bơ thành những sản phẩm đa dạng hơn, từ bột bơ cho đến các món ăn chế biến sẵn để tiếp cận người tiêu dùng một cách bền vững hơn...
Chính những cách làm hay, mô hình sáng tạo trên chính mảnh đất canh tác truyền thống đã mở thêm cơ hội để trái bơ tại Lâm Đồng được tiêu thụ thuận lợi hơn. Tuy nhiên, trên thực tế thì những mô hình du lịch canh nông, những nhà máy chế biến nông sản nói chung và trái bơ nói riêng còn khá ít so với diện tích và sản lượng cần tiêu thụ mỗi năm. Do đó, để nông sản địa phương có thể tiêu thụ tốt hơn thì người nông dân không chỉ dừng lại ở việc tạo dựng chất lượng sản phẩm mà cần có sự tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ, thay đổi tư duy sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp, có như vậy mới khẳng định giá trị cây trồng, tăng thu nhập, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho nông dân và người nông dân sẽ luôn tự hào về những thành quả mà mình tạo ra./.
Thùy Dương