Lamdongtv.vn - Bước vào tuần làm việc thứ 3 của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (diễn ra từ ngày 4-9/11) với nhiều nội dung quan trọng, trong đó trọng tâm là công tác lập pháp và giám sát. Thảo luận ở hội trường về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025;
Đoàn đại biểu Quốc Hội tỉnh Lâm Đồng đã tham gia thảo luận về các nội dung này.
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, với nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Các đại biểu cũng đề nghị đề nghị xác định rõ các động lực tăng trưởng những tháng còn lại năm 2024 và cả năm 2025 để đạt và vượt các mục tiêu Quốc hội giao. Liên quan đến nội dung trong bối cảnh hội nhập và phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số,
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho rằng ngành công nghiệp bán dẫn nổi lên như một trong những trụ cột chiến lược của thế kỷ 21.
Công nghiệp bán dẫn không chỉ là nền tảng cho các thiết bị công nghệ mà còn giữ vai trò cốt lõi trong nền kinh tế kỹ thuật số của mỗi quốc gia. Đối với Việt Nam, đây là cơ hội lớn để vươn lên thành điểm đến hàng đầu trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Mặc dù có tiềm năng, nhưng Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức lớn, đặc biệt là sự thiếu hụt về công nghệ và nhân lực. Công nghệ sản xuất chip vẫn là điểm yếu của Việt Nam so với các nước phát triển, trong khi các doanh nghiệp trong nước hiện chủ yếu tham gia vào khâu thiết kế back-end, vốn không yêu cầu vốn đầu tư lớn.
Nguồn nhân lực là một vấn đề cấp thiết. Với nhu cầu lên tới 10.000 kỹ sư mỗi năm, Việt Nam hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 20%, tạo ra một khoảng trống lớn trong lực lượng lao động, đặc biệt là các kỹ sư thiết kế chip và các nhà khoa học vật liệu.
Các chương trình đào tạo hiện tại còn nhiều hạn chế, và chưa đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế: Các trường đại học, cao đẳng chưa được trang bị đầy đủ máy móc thiết bị hiện đại để phục vụ cho việc đào tạo thực hành; Số lượng giảng viên có chuyên môn sâu về thiết kế vi mạch/bán dẫn còn hạn chế, dẫn đến chất lượng đào tạo chưa đồng đều; Chương trình đào tạo hiện tại của nhiều trường đại học, cao đẳng chưa được cập nhật theo những tiến bộ mới nhất của công nghệ bán dẫn; Việc hợp tác giữa trường học và doanh nghiệp trong lĩnh vực này còn hạn chế, dẫn đến khoảng cách giữa kiến thức lý thuyết và thực tế sản xuất; Hệ sinh thái đổi mới của Việt Nam chưa phát triển mạnh mẽ, hạn chế khả năng tạo ra các ý tưởng và công nghệ mới.
Điều này dẫn đến tình trạng nguồn cung nhân lực chất lượng cao không đủ cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của ngành. Để giải quyết vấn đề này, trân trọng kiến nghị cần có sự quan tâm đặc biệt từ Chính phủ, các trường đại học và doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình đào tạo chuyên sâu. Cần có những giải pháp cụ thể để thúc đẩy hợp tác công tư nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn.
Cần xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi để khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia sâu hơn vào quá trình quản lý và vận hành các cơ sở đào tạo liên quan đến lĩnh vực này. Đồng thời, cần tạo điều kiện thuận lợi để khu vực tư nhân chia sẻ tài chính, hạ tầng, và các nguồn lực khác, nhằm phát huy tối đa tính năng động và sáng tạo trong việc đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn. Trong quá trình rà soát, sửa đổi các luật liên quan đến đầu tư công tư, khoa học công nghệ, và quản lý tài sản công, cần bổ sung các quy định cụ thể để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động hợp tác này.
Cũng theo đại biểu Tú Anh, Việt Nam đang đứng trước một ngã rẽ quan trọng trong ngành bán dẫn. Với lợi thế, tiềm năng, và cơ hội, nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức. Nếu tận dụng tốt cơ hội từ dòng vốn đầu tư mới, xây dựng được hệ sinh thái hoàn chỉnh và đầu tư mạnh mẽ vào nhân lực, Việt Nam sẽ có thể vươn lên trở thành điểm đến lý tưởng của ngành bán dẫn toàn cầu. Ngành công nghiệp này không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững, nâng cao vị thế của Việt Nam trong nền kinh tế thế giới..
Thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, đại biểu Nguyễn Tạo đã bày tỏ sự tán thành rất cao đối với dự thảo luật lần này, qua 3 lần sửa đổi, bổ sung từ năm 1999, có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 đến nay. Lần này Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam sửa đổi hết sức cơ bản và Ban dự thảo cũng như Bộ Quốc phòng, Chính phủ trình Quốc hội với 2 điều cơ bản có liên quan đến chức vụ, chức danh tương đương của sĩ quan, hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của sĩ quan tương đương với các luật hiện hành, các bậc sĩ quan cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp tướng, một số nội dung có liên quan đến thẩm quyền quy định rõ hơn, một số chế độ, chính sách của sĩ quan như thăng hàm tướng, nâng lương trước thời hạn và trách nhiệm của Chính phủ, bộ, ngành có liên quan. Về vấn đề năm nhóm sĩ quan cần phải được lượng hóa lại trong luật,
Đại biểu Nguyễn Tạo, đoàn đại biểu Quốc Hội tỉnh Lâm Đồng phân tích:
Thứ nhất, đó là nhóm sĩ quan đối với lực lượng gìn giữ hòa bình và phái viên của Liên hợp quốc, các sĩ quan tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình. Tôi đề nghị thu hút toàn bộ Điều 15 khoản 1, 2, 3 của Nghị quyết 130 năm 2020 và Nghị định 61 của Thủ tướng Chính phủ, chúng ta đưa vào lần này ra trình, quy định chi tiết ở trong luật này xác định rõ quyền lợi của đối tượng được thụ hưởng và các quyền lợi có liên quan đến lực lượng gìn giữ hòa bình.
Thứ hai là đối với lực lượng sĩ quan là biệt phái. Trong thực tiễn chúng ta đã có, vừa rồi Quốc hội thông qua Luật Công an nhân dân, hàm cao nhất là Thượng tướng đối với Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, tại sao lực lượng lần này cấp bậc Thượng tướng, tỷ lệ trước đây chúng ta đã có, các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội cấp bậc trên Thượng tướng là cấp bậc Đại tướng. Tại sao chúng ta không mục này, chúng ta nói là những chức vụ cơ bản, theo điều kiện phân công của Đảng và Nhà nước các đồng chí phải tham gia, tức là không nhiều nhưng cũng không ít. Chúng tôi tha thiết đề nghị trong trường hợp này thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết việc đối với các cấp bậc, chức vụ của Đảng, chức vụ của cơ quan dân cử, chính quyền ở địa phương thì phải có một quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và của Chính phủ theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Vấn đề này chúng tôi tha thiết đề nghị như vậy.
Thứ ba, đối với điều kiện chiến đấu đặc thù theo yêu cầu bảo vệ độc lập chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, ban bố tình trạng khẩn cấp, tình trạng thiết quân luật. Trong trường hợp này chế độ có liên quan đến lực lượng tham gia trực chiến ở vùng, địa bàn lực lượng sĩ quan này được thụ hưởng cái gì, tôi tha thiết đề nghị Chính phủ sẽ quy định chi tiết việc này theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Về quy định về nhà ở cho sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam cũng như các luật khác có liên quan đến lực lượng sĩ quan công an nhân dân, đại biểu Nguyễn Tạo phân tích khi chuyển mục đích từ đất quốc phòng sang phát triển kinh tế - xã hội địa phương, chủ đầu tư có thể là các đơn vị quốc phòng sẽ đảm nhận việc này để bảo đảm cho đội ngũ sĩ quan an tâm công tác và bảo đảm bình đẳng trong chính sách nhà ở xã hội chung của đất nước.
Hữu Phúc