Những năm qua, tại Sóc Trăng, thực hiện việc cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, người nông dân đã chuyển đổi tư duy từ “phát triển sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “phát triển kinh tế nông nghiệp”. Sự thay đổi này đã biến những vùng đất trũng, nhiễm phèn thành những vùng canh tác hiệu quả.
Tại thị xã Ngã Năm, nhiều hộ nông dân đang mở rộng diện tích trồng Cây mãng cầu xiêm ghép trên gốc bình bát. Cây mãng cầu ghép có đặc điểm là phù hợp với đất nhiễm phèn, mặn, trái mãng cầu có giá trị kinh tế cao nên rất được bà con vùng ruộng trũng ưa trồng. Như hộ ông Phạm Hữu Huynh nhận thấy hiệu quả từ cây mãng cầu xiêm trồng trên gốc bình bát nên ông đã bỏ lúa, bỏ mía để chuyên canh cây mãng cầu.
Còn tại huyện Mỹ Tú, vùng đất trũng phèn ngày nào chỉ trồng được cây tràm, cây mía, thu nhập mỗi năm chỉ được vài chục triệu đồng/1ha. Nay bà con chuyển sang trồng giống cây Dứa MD2, đem lại lợi nhuận 150 triệu đồng/ha, sau 18 tháng trồng, cao hơn từ 2-3 lần so với các cây trồng khác.
Thực hiện tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp từ năm 2021, đóng góp của ngành nông nghiệp từ 1,18% , đến nay đã tăng lên 5,77%, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của địa phương. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất đạt gần 222 triệu đồng/ha. Giá trị xuất khẩu hàng hóa năm 2023 đạt 1tỷ 507 triệu USD.
Thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp tục triển khai đề án phát triển bền vững một triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, dự án phát triển thủy sản bền vững, dự án Phát triển chăn nuôi bò,… nhằm giúp tăng thu nhập trên một ha sản xuất nông nghiệp.
PHÒNG THỜI SỰ